Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thờ ơ

25/01/2019, 04:25

TCDN -

Có đến 79% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa chuẩn bị, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin chưa đảm bảo đáp ứng cho sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chỉ 12% doanh nghiệp đang triển khai biện pháp ứng phó

Theo dự báo của OECD và ILO, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đối với chuyển dịch cơ cấu lao động Việt Nam. Bảy ngành nghề và lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế trong nền kinh tế Việt Nam đó là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí.

Đến năm 2025, có khoảng 40,8 triệu lao động thuộc 4 nhóm nghề chịu ảnh hưởng lớn bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 (gồm nhân viên bán hàng, lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, thợ vận hành lắp ráp và thiết bị, lao động giản đơn). Dựa vào đánh giá của ILO, trong tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sẽ có khoảng 20 - 40% lao động Việt Nam có khả năng bị chuyển đổi sang nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) ước tính trong giai đoạn 2018 - 2025, sẽ có khoảng 8 - 16 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, năng lực đổi mới sáng tạo - trụ cột của Cách mạng Công nghiệp 4.0, của Việt Nam những năm qua chỉ ở mức trung bình. Chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ đạt 0,374% GDP, thấp so với các nước châu Á và trong khu vực như Nhật Bản (3,316% GDP), Hàn Quốc (4,417% GDP), Singapore (2,012% GDP)... Nguyên nhân được chỉ ra là do những khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận tín dụng...

Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc NCIF cho rằng, ngành sản xuất, chế biến, chế tạo sẽ có tác động lớn và dễ nhận thấy nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đây hiện là ngành thâm dụng nhiều lao động và đang bị đe dọa bởi robot hóa. Đơn cử ngành dệt may, theo đánh giá của tổ chức lao động quốc tế, tại Việt Nam, 86% lao động trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu ko có chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo, đào tạo lại, một lực lượng lớn lao động trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, nếu như trước đây, các nền kinh tế phát triển đầu tư ở Việt Nam chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và tài nguyên. Hiện, với thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, robot hóa đang dần thay thế con người trong quá trình sản xuất. Do đó, những doanh nghiệp, tập đoàn của những nền kinh tế phát triển đang có xu hướng quay trở lại nền kinh tế chính quốc như Mỹ, Nhật Bản... Như vậy, đầu tư trong lĩnh vực này sẽ suy giảm nếu Việt Nam không có chính sách thu hút, chuẩn bị cho lực lượng lao động, cũng như nền tảng cho ứng dụng công nghệ 4.0, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần rời bỏ Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng sản xuất, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội và Việt Nam có thể tranh thủ để thúc đẩy sự phát triển đối với ngành Công thương. Cụ thể là cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp của ngành Công thương phải ý thức và thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy về sản xuất và tư duy thị trường phù hợp. Cùng đó, tác động làm giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp.

Không những thế, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ buộc phải cơ cấu lại và thay đổi từ phương thức tổ chức sản xuất đến quy trình và các công đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất của ngành công nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy năng lực sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nhờ việc thử nghiệm sản phẩm mới ít rủi ro, bớt tốn kém hơn nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ mới...

Ngoài những cơ hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của ngành Công thương. Điều đáng lo ngại là dù nhiều khó khăn và thách thức từ bối cảnh mới đang ngày càng gia tăng, song nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nay còn hạn chế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, có đến 79% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp đang bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai các biện pháp ứng phó.

Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp mặc dù đã được chú trọng nhưng chưa đảm bảo đáp ứng cho sự sẵn sàng của cách mạng công nghiệp 4.0 này. Cùng với đó là những thách thức từ những yếu kém nội tại của các doanh nghiệp trong ngành Công thương.

Tập trung thay đổi cấu trúc, trình độ của nền kinh tế

Ông Lương Văn Khôi cho biết, định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về bản chất, xu thế vận động, những cơ hội, thách thức, tác động của cách mạng này.

Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống thể chế thuận lợi cho nền kinh tế số phát triển và tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, tự do hóa đầu tư tham gia, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, rà soát mục tiêu tái cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời nhằm tận dụng cơ hội.

Theo ông Lê Huy Khôi, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường pháp triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó, là các giải pháp tối ưu hóa mô hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ra đời của tư liệu sản xuất và sự thay đổi về phương thức sản xuất mới dưới tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng, để doanh nghiệp chủ động trong cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, vấn đề triển khai Chính phủ điện tử có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện vấn đề này nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, cần gỡ được hai nút thắt đó là bộ máy công quyền, công chức nhà nước.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Ireland trong nền kinh tế số, TS. Conor O’Toole, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Ireland cho biết, Ireland đã làm tốt công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và quản lý tốt tài chính công; đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng công sang hàng hóa và con người; phát triển thị trường tài chính đầy đủ có thể cung cấp cả tín dụng và quỹ mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hải Vân - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thờ ơ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899