Cần bịt “lỗ hổng” trong đấu giá tài sản tại Nghệ An

26/05/2020, 15:24
báo nói -

TCDN - Đấu giá tài sản là hoạt động nhạy cảm, phức tạp, rất dễ nảy sinh tiêu cực. Nguyên nhân không hẳn chỉ do Luật Đấu giá tài sản chưa điều chỉnh hết các quy định mà do đấu giá viên “lách luật”, thậm chí “thả lỏng” cho người tham gia đấu giá có cơ hội trục lợi.

Qua theo dõi hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại Nghệ An năm 2019 và một số phiên mới đây tại Nghệ An cho thấy, những “lỗ hổng” trong hoạt động đấu giá tài sản cần được ngăn chặn.

“Đục nước, béo cò”

Ở Nghệ An, hình thức đấu giá trực tiếp đã tồn tại nhiều năm với những bất cập rất dễ nhìn thấy, đó là: Cứ mỗi phiên đấu giá tài sản là xuất hiện một lực lượng đông đảo “cò đấu giá” tham gia. Lực lượng này, chủ yếu là các đối tượng xã hội, nhiều trường hợp từng có tiền án, tiền sự, xăm trổ đầy mình, với mục đích “làm giá” với người có nhu cầu mua tài sản tại phiên đấu giá. Nhiều phiên, lực lượng chức năng gần như “bó tay” trước hành vi thao túng, chia tiền của lực lượng xã hội này.

Tại phiên đấu giá tài sản là mấy chiếc ô tô tang vật trong những vụ án hình sự được đem bán đấu giá tại phiên đấu giá do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An (thuộc Sở Tư pháp Nghệ An) tổ chức, lực lượng xã hội can thiệp rất hồn nhiên hoạt động đấu giá bằng cách “ép” người mua phải chi thêm 1 khoản tiền ngoài số tiền trúng đấu giá cho chúng.

Ai không chịu chi, ắt sẽ nhận “hậu quả đắng”. Khi thỏa thuận xong, chúng chia tiền ngay trước mặt mọi người, kể cả có mặt của đấu giá viên. Lực lượng công an khó xử lý vì cho rằng “đây là quan hệ dân sự”.

Phiên đấu giá đất nào của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An tổ chức, lượng người tham gia đấu giá cũng “đông như hội”.

Phiên đấu giá đất nào của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An tổ chức, lượng người tham gia đấu giá cũng “đông như hội”.

Tại phiên đấu giá đất diễn ra tại xã Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cách đây vài năm, Công an huyện này bắt giữ một số đối tượng đang chia tiền ngay tại phiên đấu giá. Khi bị bắt, ai cũng nghĩ rằng, các đối tượng xã hội can thiệp vào hoạt động đấu giá sẽ bị trừng trị.

Thế nhưng, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vụ án lại bị đình chỉ điều tra vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an huyện Quỳnh Lưu đã chuyển vụ việc cho Sở Tư pháp Nghệ An xử lý hành chính. 

Tại huyện Nghĩa Đàn, cuối năm 2019 cũng xảy ra vụ án liên quan đến hoạt động đấu giá. Đối tượng đầu tiên bị khởi tố cũng từng hoạt động ở nhiều phiên đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử vì cơ quan tố tụng đang vẫn tiếp tục... nghiên cứu.

Tạp chí Người Xây dựng cũng nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc phản ánh về cách thức, hành vi của các đối tượng khi tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản. Thậm chí có nguồn tin cho rằng, chính đấu giá viên là đầu mối kết nối ngầm với “cò đấu giá” để trục lợi tại các phiên đấu giá.

Vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố 2 bị can là đấu giá viên của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”. Vụa án này cũng cho thấy, hoạt động móc nối giữa các đối tượng xã hội đen với cán bộ, đấu giá viên trong hoạt động đấu giá tài sản đã diễn ra nhiều nơi, nhiều năm qua.

Lỗ hổng mới cần phải “bịt”

Xuất phát từ tình trạng “cò đấu giá” thao túng các phiên đấu giá tài sản, năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã cho áp dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu kín (đấu giá gián tiếp) thay bằng đấu giá trực tiếp (trả giá lên) như trước đây. Một số huyện được thí điểm là: TP Vinh, huyện Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc.

Qua theo dõi các phiên đấu giá gián tiếp này cho thấy, tình trạng “cò đấu giá” đã giảm hẳn. Lực lượng Công an bảo vệ các phiên đấu giá cũng “nhàn hơn”, nhiều phiên chỉ cần công an xã có mặt là tình hình an ninh trật tự được ổn định. Tổng số tiền trúng đấu giá ở một số phiên cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Lợi ích của Nhà nước và người dân được bảo vệ và nâng lên tại các phiên đấu giá. Người có nhu cầu mua tài sản được thể hiện đầy đủ thông qua mức giá mình lực chọn.

Tuy nhiên, tại một số phiên đấu giá, lại xuất hiện tình trạng “đầu cơ” bởi một số người chuyên hành nghề kinh doanh bất động sản. Những người này thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình với tư cách “người tham gia đấu giá” và họ trả giá cao hơn nhiều người khác nhờ kinh nghiệm thị trường bất động sản. Sau khi trúng đấu giá, họ bán lại cho người có nhu cầu sử dụng với giá cao hơn. Xét về ưu điểm, ngân sách Nhà nước được lợi đối với “sự can thiệp” của nhóm người này.

Thế nhưng, một lỗ hổng phát sinh từ hình thức đấu giá gián tiếp, đang gây thiệt hại cho Nhà nước và làm xấu hình ảnh của hoạt động đấu giá vẫn là sự móc nối ngầm giữa đấu giá viên với các đối tượng xã hội nhằm mục đích trục lợi.

Qua phản ánh của bạn đọc và sự trải nghiệm của người viết bài này cho thấy, nếu không có sự chấp thuận của đấu giá viên, của người có chức vụ trong hoạt động đấu giá, thì khó có kẻ hở để nảy sinh tiêu cực. Việc thay đổi hình thức đấu giá từ trực tiếp sang bỏ phiếu kín chỉ ngăn chặn được một phần, vẫn có “lỗ hổng” để đấu giá viên móc nối được với nhóm lợi ích bên ngoài.

Cụ thể là, theo quy định, người tham gia đấu giá tài sản nào, phải đặt cọc một khoản tiền tương đương tỷ lệ % giá trị khởi điểm của tài sản đó. Dù nộp tiền cọc trực tiếp hay gián tiếp qua ngân hàng thì đại diện chủ tài sản và tổ chức đấu giá đều biết được thông tin của người tham gia đấu giá.

Và, nếu những thông tin về người tham gia đấu giá không lọt ra ngoài thì “cò đấu giá” cũng bó tay. Về phía ngân hàng, nơi người tham đấu giá làm thủ tục chuyển tiền đặt cọc cũng là địa chỉ dễ lọt thông tin. Tuy nhiên, ngân hàng có quy định rất nghiêm ngặt về bảo vệ thông tin cho khách hàng.

Qua phản ánh của bạn đọc, tại địa bàn Nghệ An, trong một số phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, đã xảy ra hiện tượng “cò theo đấu giá viên về tham gia đấu giá rợp trời”.

Phiên đấu giá quyền sử dụng 7 lô đất ngày 12/3/2020 tại xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An được chọn tổ chức, một số “cò đấu giá” từ tỉnh Hà Tĩnh và nơi khác có mặt tại phiên đấu giá. Và họ đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để trúng đấu giá cả 7 lô đất tại “phiên chợ” này không cao hơn giá khởi điểm là bao. Sau khi trúng đấu giá, 7 lô đất được rao bán lại với mức chênh lệch từ 150 đến 200 triệu đồng/lô.

Tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Nam Đàn, sau khi 8 người trúng đấu giá, 1 đấu giá viên đã “gạ” chi thêm 7 triệu đồng/lô ngoài mức tiền trúng đấu giá. Vụ việc bị vỡ lỡ. Tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất của xã Trung Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) do Công ty Đấu giá Hợp danh An Trà My tổ chức, số lượng người tham gia đấu giá và đến xem đấu giá đất “đông như quân nguyên”.

Đấu giá viên nhiều lần tỏ ra lúng túng khi điều hành phiên đấu giá. Có 2 trường hợp, trúng hàng loạt lô đất với mức giá ngoạn mục. Ở phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An điều hành, có người tham gia đấu giá cũng trúng hàng loạt lô đất với số tiền trúng đấu giá phải nộp lên tới hơn 20 tỷ đồng...

Qua theo dõi hoạt động đấu giá tài sản tại nhiều phiên ở Nghệ An cho thấy, điều cốt lõi để giữ nghiêm pháp luật trong hoạt động này là phẩm chất, năng lực và bản lĩnh của đấu giá viên. Khi đấu giá viên thông đồng với người tham gia đấu giá thì “lỗ hổng” sẽ mở ra và tiêu cực mới cơ dịp lộng hành.

Với 22 tổ chức đấu giá được cấp phép hoạt động tại Nghệ An, để được chủ tài sản chọn, đại diện tổ chức đấu giá “phải đi đêm” đến người có thẩm quyền. Tất cả các chi phí cho hoạt động đấu giá đều đè lên vai người đứng đầu tổ chức đấu giá. Do “thu không đủ bù chi”, nhiều đấu giá viên phải làm liều, đã “nhắm mắt - đưa chân” cấu kết với “cò đấu giá” để có khoản thu “ngoài luồng” bù chi phí. Nhiều đấu giá viên là đại diện của tổ chức đấu giá bộc bạch: “Muốn làm nghiêm chỉnh cũng rất khó vì thực tế vẫn còn vấn nạn “xin-cho”.

Muốn minh bạch trong hoạt động đấu giá, theo các đấu giá viên, cần tăng cường sự giám sát của phóng viên báo chí tại các phiên đấu giá; cần có lực lượng công an huyện bảo vệ phiên đấu giá; chọn tổ chức đấu giá bằng “bỏ phiếu kín”, không nên áp dụng nộp tiền đặt cọc cho tài sản đấu giá bằng tỷ lệ % mà đưa ra 1 mức chung nhất để hạn chế tối đa lọt thông tin của người tham gia đấu giá ra ngoài.

Trên đây là những ý kiến trao đổi từ kinh nghiệm, thực tiễn của hoạt động đấu giá tài sản, Người Xây dựng mong góp thêm tiếng nói để lĩnh vực này ngày càng chuẩn mực, đúng luật. Những tiêu cực này sinh, sẽ được phản ánh tiếp ở các bài viết khác.

Theo Người Xây dựng
Bạn đang đọc bài viết Cần bịt “lỗ hổng” trong đấu giá tài sản tại Nghệ An tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan