Cần ít nhất 400.000 tỷ đồng để quy hoạch sân bay đến 2030
TCDN - Để hiện thực hóa Quy hoạch mạng lưới sân bay Việt Nam đến 2030 cần ít nhất 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện chỉ đáp ứng được 60-65% nên cần nguồn lực lớn từ xã hội hóa.
Chiều 6/11, trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, quan điểm của ngành về giải pháp tăng cường xã hội hóa cảng hàng không nhằm thu hút nguồn lực trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng cho biết, để hiện thực hóa Quy hoạch mạng lưới sân bay Việt Nam đến 2030 cần ít nhất 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện chỉ đáp ứng được 60-65% nên cần nguồn lực lớn từ xã hội hóa.
Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án, nguyên tắc xã hội hóa, cùng với đó điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không. Hiện về phía bộ đã bổ sung một số địa phương có tiềm năng phát triển cảng hàng không để thực hiện công tác này.
“Khi thực hiện xã hội hóa vẫn cần hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân; theo đó, có chính sách thu hút doanh nghiệp vì thực tế đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không rất khó đảm bảo hiệu quả. Cùng với đó, bảo đảm nguyên tắc quốc phòng an ninh và quyền quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và quyền của nhà nước về định đoạt kết cấu hạ tầng giao thông khi có việc xảy ra", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400 nghìn tỷ đồng. Về phía Chính phủ đã đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông. Theo đó, 10 tháng năm 2023 giải ngân được 63.5 nghìn tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn cho biết, việc thu hút các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông chưa nhiều, chưa hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.
Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều.
Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. "Vì sao chúng ta không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án PPP, bởi họ đòi hỏi bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lý giảỉ.
Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Trước mắt, tại kỳ họp này, Chính phủ cũng trình nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư khi làm dự án PPP lên mức cao hơn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899