Cần lựa chọn lộ trình chuyển đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn phù hợp

31/07/2024, 15:10
báo nói -

TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp...

Phát biểu tại Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”, bà Cúc cho hay, quá trình hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong thời gian từ năm 1990 đến nay đã thể hiện rõ tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế TTĐB nói chung, đồ uống có cồn, rượu bia nói riêng. 

Khi xây dựng các chính sách điều tiết thu ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm chịu thuế TTĐB (bao gồm rượu bia) phải được tính toán các phương án, đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội; điều tiết thu ngân sách nhà nước; ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động; góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu.  

Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại Tọa đàm.

Theo bà Cúc, cơ cấu thuế TTĐB trên thế giới gồm: Cơ cấu thuế theo %, cơ cấu thuế tuyệt đối, cơ cấu thuế hỗn hợp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hệ thống thuế tuyệt đối là hệ thống hiệu quả nhất, vì hệ thống thuế tuyệt đối thể hiện tương quan giữa mức độ cồn trong sản phẩm với số thuế phải nộp. Trong đó, thuế tuyệt đối với đồ uống có cồn từ lâu đã được coi là một hướng cải cách chính sách tốt nhằm tạo điều kiện cho các cộng đồng kinh tế vận hành tốt hơn. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ và đảm bảo hệ thống luật nội địa sẽ đánh thuế đồ uống có cồn theo hệ thống thuế tuyệt đối.

Dẫn chứng về chuyển dịch cơ cấu thuế TTĐB tại khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VTCA cho biết, Indonesia đã bãi bỏ thuế hàng xa xỉ 75% đối với các sản phẩm đồ uống có cồn, thay vào đó, áp dụng thuế tuyệt đối theo thể tích. Việc cải cách hệ thống thuế này cho thấy đánh thuế sản phẩm đồ uống có cồn như hàng xa xỉ theo tỷ lệ % giá bán không còn phù hợp.

Philippines trước năm 2012 áp dụng thuế tuyệt đối đa bậc, phân bậc theo giá trị sản phẩm. Từ năm 2012, Philippines áp dụng thuế tuyệt đối đơn bậc cho bia. Thái Lan từ năm 2013 áp dụng thuế tuyệt đối trên toàn bộ sản phẩm đồ uống có cồn trên thị trường, trước đó vẫn áp thuế theo tỷ lệ % cho một số sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Cúc thống nhất quan điểm tăng thuế TTĐB theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu của thuế TTĐB theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Theo đó, xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030…

Chủ tịch VTCA cho rằng, trong quá trình thay đổi chính sách, tăng thuế TTĐB, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam. Cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho 3 nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.

Đồng thời, nghiên cứu để áp dụng mô hình áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp trong tương lai theo Quyết định 508/QĐ- TTg “nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

“Quá trình thay đổi phương pháp tính thuế phải tính đến yếu tố xáo trộn chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường, tiêu dùng xã hội, theo đó cần có lộ trình cải cách cho từng giai đoạn, thời gian cụ thể… giúp doanh nghiệp, các đối tượng điều chỉnh của Luật được chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình cải cách...”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu rõ. 

Bình An
Bạn đang đọc bài viết Cần lựa chọn lộ trình chuyển đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn phù hợp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng 02 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.