Xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn trên thế giới

24/01/2024, 19:34
báo nói -

TCDN - Trên thế giới hiện có 3 các tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó phương pháp tính thuế tuyệt đối đang được nhiều nước lựa chọn. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam xem xét trong việc cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.

Thuế tuyệt đối - hiệu quả nhất

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam cho hay, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thường đánh trên một số nhóm mặt hàng, dịch vụ Chính phủ không khuyến khích tiêu dùng vì các lý do như: sức khỏe, môi trường, văn hóa, tác động xã hội…

Thuế TTĐB nhằm cân bằng giữa các mục tiêu và giảm thiểu các ảnh hưởng phụ khác như các hành vi tránh thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, sự phát triển của ngành…

thue-ttdb-4

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ hiện đang áp dụng ở các quốc gia đang phát triển có sự chênh lệch cao về phân khúc giá thị trường. Phương pháp thuế hỗn hợp được áp dụng cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Phương pháp thuế tuyệt đối chủ yếu được áp dụng ở các quốc gia phát triển. Một số nghiên cứu gần đây nghiên cứu tính khả thi và các tác động của chuyển đổi chính sách thuế, trong đó có phương pháp thuế hỗn hợp áp dụng đối với thuế TTĐB.

Phân tích cụ thể về thuế TTĐB trên thế giới, theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, thông lệ quốc tế khi phân loại sản phẩm đồ uống có cồn chia làm 3 nhóm: nhóm 1 > 20 độ cồn, nhóm 2 > 5 và ≤ 20 độ cồn, nhóm 3 ≤ 5 độ cồn.

Các sản phẩm chính trên thị trường thực tế được phân loại vào các nhóm trên như sau: nhóm 1 là rượu chưng cất (brandy, whisky, gin, vodka, rum, v.v..); nhóm 2 là rượu vang, rượu mùi (liqueur); nhóm 3 là bia, nước táo lên men và một số đồ uống lên men khác.

Việc phân loại và đánh thuế các sản phẩm theo nồng độ cồn giúp: xác định hệ thống thuế và mức thuế suất phù hợp với từng nhóm sản phẩm. Có thể hạn chế việc các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm, quy trình sản xuất riêng để tối ưu mức thuế áp dụng.

Trên thế giới hiện nay có 3 phương án cơ cấu thuế TTĐB. Đó là cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế được xác định theo tỉ lệ % trên giá tính thuế (giá xuất xưởng hoặc giá bán lẻ); cơ cấu thuế tuyệt đối mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa; cơ cấu thuế hỗn hợp Kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối.

Theo WHO, hệ thống thuế tuyệt đối là hiệu quả nhất vì hệ thống thuế tuyệt đối thể hiện tương quan giữa mức độ cồn trong sản phẩm với số thuế phải nộp. Thuế tuyệt đối được chia: tuyệt đối theo thể tích - 48; tuyệt đối theo độ cồn - 43; tỷ lệ phần trăm - 33; hỗn hợp - 23.

Do đó, hệ thống thuế tuyệt đối được áp dụng phổ biết nhất ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (theo bảng dưới đây).

Empty
Phương pháp tính thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn ở một số nước trên thế giới.

Phương pháp tính thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn ở một số nước trên thế giới.

Thuế tuyệt đối với đồ uống có cồn từ lâu đã được coi là một hướng cải cách chính sách tốt nhằm tạo điều kiện cho các cộng đồng kinh tế vận hành tốt hơn. Liên minh EU yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ và đảm bảo hệ thống luật nội địa sẽ đánh thuế đồ uống có cồn theo hệ thống thuế tuyệt đối.

Tại khu vực Đông Nam Á, theo Chủ tịch PwC, có 3 cách tính thuế TTĐB gồm thuế tuyệt đối theo thể tích; hệ thống thuế hỗn hợp; hệ thống thuế tương đối, thuế theo tỷ lệ phần trăm.

Cụ thể, ở Indonesia, Indonesia từ năm 2010 bãi bỏ thuế hàng xa xỉ (75%) đối với các sản phẩm đồ uống có cồn. Thay vào đó, áp dụng thuế tuyệt đối theo thể tích. Việc cải cách hệ thống thuế này cho thấy việc đánh thuế sản phẩm đồ uống có cồn như hàng xa xỉ (theo tỷ lệ phần trăm giá bán) không còn phù hơp.

Trước năm 2012, Philippines áp dụng thuế tuyệt đối đa bậc, phân bậc theo giá trị sản phẩm. Từ năm 2012, Philippines áp dụng thuế tuyệt đối đơn bậc cho bia.

Thái Lan từ năm 2013, áp dụng thuế tuyệt đối trên toàn bộ sản phẩm đồ uống có cồn trên thị trường (trước đó vẫn áp thuế theo tỷ lệ phần trăm cho một số sản phẩm). Tương tự Philippines, Thái Lan đã cải cách hệ thống thuế để loại bỏ tác động của giá sản phẩm đến số thuế phải nộp.

Trong năm 2024, Thái Lan sẽ giảm thuế TTBĐ trên sản phẩm rượu để thúc đẩy du lịch và thị trường rượu mạnh (Thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu giảm từ 10% xuống 5% và với rượu mạnh giảm từ 10% xuống 0%).

thue-ttdb
Số thuế TTĐB của Việt Nam.

Số thuế TTĐB của Việt Nam.

Cải cách theo lộ trình, phù hợp xu hướng thế giới

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cải cách chính sách thuế nên tham khảo, cập nhật để phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Cân bằng giữa các mục tiêu: điều tiết sản xuất, tiêu dùng, nguồn thu; mục tiêu về y tế, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và các vấn đề xã hội khác,… Nghiên cứu áp dụng đa dạng các phương pháp tính thuế. Việc áp dụng phương pháp thuế hay chuyển đổi phương pháp thuế cần đảm bảo lộ trình phù hợp.

Chủ tịch PwC Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, khuyến nghị, cần xác định rõ mục tiêu và chiến lược dài hạn của thuế TTĐB đối với từng nhóm hàng để xây dựng mô hình thuế và lộ trình cải cách phù hợp. Có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho 3 nhóm đồ uống có cồn do sự đặc thù của từng nhóm Chuyển đổi từ tương đối sang tuyệt đối ngay sẽ phức tạp và gây xáo trộn.

Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh Vân nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối. Cần xây dựng lộ trình cải cách thuế một cách rõ ràng minh bạch và dịch chuyển dần theo hướng hệ thống thuế mong muốn như tăng dần cấu phần tuyệt đối và giảm dần cấu phần tương đối.

Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế TTĐB được tính trên cơ sở giá bán sản phẩm chưa có thuế GTGT, chưa có thuế TTĐB chia cho 1+ thuế suất thuế GTGT.

Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13, hiệu lực 01/01/2016 quy định, rượu từ 20 độ trở lên, bia các loại từ 2018 đến nay mức thuế TTĐB 65%; rượu dưới 20 độ từ năm 2018 đến nay mức thuế TTĐB là 35%.

Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.

Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn trên thế giới tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan