Chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
TCDN - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Chỉ thị nêu: Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tạm ứng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã từng bước được tăng cường, quy định tương đối chặt chẽ và được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hợp đồng, quản lý, thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN (trong đó có các chế tài như bảo lãnh tạm ứng, mức vốn tạm ứng, thời hạn thu hồi vốn tạm ứng, trách nhiệm của từng chủ thể).
Tuy nhiên, công tác thu hồi vốn tạm ứng vẫn còn xảy ra các trường hợp chưa được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý chú trọng đúng mức, dẫn đến còn tồn tại những khoản dư tạm ứng có thời gian dài chưa được thu hồi.
Qua theo dõi, tính đến hết ngày 31/01/2024, số tạm ứng quá hạn nguồn NSNN của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tương đối lớn, khoảng 7.454 tỷ đồng (trong đó: các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 1.279 tỷ đồng, các địa phương khoảng 6.175 tỷ đồng), làm giảm hiệu quả sử dụng vốn NSNN.
Tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội đã giao Chính phủ: "Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và xử lý dứt điểm những trường hợp tạm ứng quá thời hạn quy định kéo dài nhiều năm".
Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại trong công tác quản lý vốn tạm ứng NSNN như thời gian qua, khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng quá hạn, đồng thời bảo đảm việc tạm ứng vốn trong thời gian tới đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, không để phát sinh các khoản tạm ứng quá hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trong công tác tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao; thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư.
Trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ thì phải căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán đồng cấp rà soát số vốn tạm ứng quá hạn (nếu có), định kỳ (6 tháng và hàng năm) báo cáo để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc tạm ứng vốn.
Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng từng lần, thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần theo đúng quy định phải được ghi cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm.
Mức vốn tạm ứng và số lần tạm ứng được phân định cụ thể theo từng năm phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng trong năm tương ứng (nếu có).
Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: mức vốn tạm ứng theo kế hoạch, tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; mức vốn tạm ứng tối đa theo yêu cầu không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát các nội dung quy định về tạm ứng vốn trong hợp đồng đã ký kết và đang triển khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quản lý, tạm ứng hợp đồng (thủ tục bảo lãnh tạm ứng, điều khoản của bảo lãnh tạm ứng; điều khoản thu hồi tạm ứng...); quản lý chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng.
Theo dõi sát sao thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng của tổ chức tín dụng để đảm bảo thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.
Đối với các dự án đang thực hiện còn dư số tạm ứng chưa thu hồi: tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn tạm ứng, đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng (trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho tạm ứng ở mức cao hơn).
Đối với các khoản tạm ứng quá hạn: rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất các phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn (bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan thanh tra, công an).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý các vi phạm phát sinh theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Bộ Tài chính có trách nhiệm định kỳ (6 tháng và hàng năm) đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn đối với dự án do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quản lý theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc nhà nước phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Chính phủ giao cơ quan thanh tra các cấp nghiên cứu, có kế hoạch thanh tra đối với các trường hợp tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn NSNN.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899