Trần Nguyễn Trường Sinh (29 tuổi) vừa vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên được vinh danh là Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Flutter. “Bước ra khỏi vùng an toàn”, “đi ra ngoài để thấy thế giới rộng lớn” là thông điệp Sinh luôn hướng tới.

Trường Sinh đã dành cho PV Thanh Niên buổi trò chuyện thú vị về tuổi trẻ, quan niệm về thành công và những điều anh tâm huyết để ghi dấu ấn cá nhân mình.

Bạn có thể nói rõ hơn về danh hiệu mình vừa được nhận?

GDE là một chương trình toàn cầu, không phải là nhân viên Google, nhưng được Google và cộng đồng ghi nhận và tôn vinh các cá nhân là chuyên gia và nhà lãnh đạo tư duy (thought leader) trong một hoặc nhiều lĩnh vực mà Google cổ suý.

Những GDE này tích cực đóng góp và hỗ trợ các nhà phát triển (developer) và hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn thế giới, giúp họ xây dựng và khởi chạy các ứng dụng có tính sáng tạo cao. Hiện tại trên thế giới, ở tất cả các lĩnh vực, chỉ có 825 GDE, trong đó Việt Nam có 4 người. Ở lĩnh vực Flutter (được sử dụng phát triển các ứng dụng di động cho Android và iOS), tôi là người đầu tiên ở Việt Nam và thứ 30 trên thế giới. Tôi thật sự vinh hạnh khi được Google đánh giá cao như vậy.

img-7

Làm sao để có thể trở thành một GDE?

Không như các chứng chỉ, để trở thành một GDE không hề phải thi cử gì cả, nhưng ngược lại, người đó phải nắm bắt rất rõ công nghệ, và tích cực chia sẻ kiến thức, quan điểm về công nghệ này thông qua các bài tham luận, đóng góp vào cộng đồng mã nguồn mở, và đi diễn thuyết ở các diễn đàn hoặc hội thảo.

Chắc chắn Sinh đã là diễn giả của rất nhiều diễn đàn, hội thảo?

Tôi cũng không nhớ rõ số lượng vì nhiều quá (cười). Các sự kiện ở TP.HCM, Malaysia, ít nhất là 50 người tham gia, nhiều hơn là hàng trăm người.

Là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh là GDE trong lĩnh vực Flutter, bạn mong muốn sẽ làm nên những dấu ấn gì?

Trong thời đại mà điện thoại di động quá phổ biến, các ứng dụng điện thoại di động trên Android và iOS cần phải phục vụ cuộc sống của người Việt ở mọi lĩnh vực. Tôi luôn trăn trở mình và các bạn trẻ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng, thông qua trí tuệ, sáng tạo… Tôi cũng mong muốn, các buổi chia sẻ của mình sẽ tới được cộng đồng lập trình viên ở Hà Nội, Đà Nẵng cùng nhiều thành phố khác ở Việt Nam, không chỉ ở TP.HCM.

Sinh đánh giá như thế nào về các lập trình viên Việt Nam?

Tôi thấy rất nhiều bạn lập trình viên ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành GDE, nhưng có những vấn đề tồn tại lâu năm trong cộng đồng lập trình viên Việt Nam, chưa thật sự đột phá, sáng tạo. Khi đã trở thành chuyên viên hoặc quản lý, các bạn lại chạy dự án, tìm khách hàng… Hãy làm việc thông minh hơn, chứ không phải chỉ là chăm chỉ hơn, đồng thời hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân nếu bạn muốn trở thành GDE.

Sinh (đứng, giữa) là người luôn thích bước ra ngoài và kết nối.

Sinh (đứng, giữa) là người luôn thích bước ra ngoài và kết nối.

Hạn chế của các lập trình viên ở Việt Nam là năng lực tiếng Anh và sự năng động?

Hồi tháng 7.2019 khi sang diễn thuyết ở hội thảo IO 19 Extended Kuala Lumpur, Malaysia, tôi bất ngờ khi thấy ở đó họ có đến 11 GDE rải đều trên các lĩnh vực khác nhau. Nếu so sánh về dân số, Malaysia có trên 32 triệu dân, trong khi Việt Nam mình gần 100 triệu, tỉ lệ GDE trên đầu người chỉ tầm 1/10 của Malaysia. Không nói đến các bạn Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, chỉ tính riêng chất xám trong nước, Việt Nam mình đã có rất nhiều lợi thế. Thật đáng tiếc là khả năng tiếng Anh của các bạn còn hạn chế, và sự năng động trong sinh hoạt cộng đồng công nghệ còn thấp.

Nhiều lần Sinh nhắc tới thông điệp “bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân”. Bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn ấy như thế nào?

Thời là học sinh trường Lê Hồng Phong (TP.HCM), tôi hoạt động Đoàn sôi nổi, năm lớp 11 là bí thư đoàn trường, tham gia các chiến dịch tình nguyện như Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ. Khi sang Phần Lan, tôi đi làm thêm ở nhiều công ty start-up, chị biết rồi đấy ở những công ty như vậy một người sẽ phải đảm nhiệm nhiều vai trò và học hỏi được nhiều điều.

Một dấu ấn của tôi là 1 trong 200 thanh niên tiêu biểu đại diện cho các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tham dự Hội nghị thanh niên 2011, bàn về 8 mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ. Từ đây tôi được in hình mình trên con tem, lưu hành thông thường như những loại tem khác…

10 năm học và làm việc ở Phần Lan, thủ phủ của điện thoại di động Nokia có cho bạn nhiều kiến thức, trải nghiệm?

Trước năm 2007 thì Nokia vẫn ở đỉnh cao, khi mà Apple ra mắt chiếc điện thoại di động iPhone đầu tiên, mọi người vẫn hoài nghi, cười chê, và kết cục như thế nào thì mọi người đã rõ. Sau năm 2008, khi Nokia dần đi xuống, cũng là khi tôi bắt đầu đặt chân sang Phần Lan, thời điểm này mở ra nhiều cơ hội hơn cho tôi khi rất nhiều kỹ sư giỏi của Nokia ra ngoài mở các start-up riêng, và đó cũng chính là những công ty đầu tiên tôi được làm việc.

Không chỉ học hỏi được vô vàn kiến thức, bài học của Nokia cho tôi thấm thía rằng, công nghệ đổi thay từng giờ, từng phút, nếu hôm nay bạn không nỗ lực, ngày mai bạn đã tụt hậu rồi. Và danh hiệu GDE tôi mới được nhận cũng chỉ có giá trị 1 năm, tức là sau đó nếu anh không còn cố gắng, có sức ảnh hưởng nữa, thì vị trí đó sẽ dành cho người khác.

Vậy thì rõ ràng, nó không chỉ đúng với giới công nghệ, mà là bài học với bất cứ ai?

Hiển nhiên là như thế. Sự nỗ lực với người trẻ là không dừng lại. Chúng tôi sinh năm 1990, thế hệ X; và nếu không cố gắng, các em 2000, thế hệ Z sẽ bỏ chúng tôi đi rất xa.

Ai là người ảnh hưởng tới Sinh của ngày hôm nay?

Có lẽ là thầy Hoàng, một thầy phụ trách công tác Đoàn tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10 mà tôi từng học. Chính thầy đã đưa tôi ra khỏi vùng an toàn của mình, biết đam mê các hoạt động cộng đồng, công tác xã hội, kết nối nhiều hơn với mọi người.

Cha mẹ bạn thì sao?

Tôi luôn cảm ơn cha mẹ đã tôn trọng những đam mê, sở thích của tôi và định hướng chứ không áp đặt. Tôi có sở thích về công nghệ thông tin từ nhỏ, cha mẹ ủng hộ nhưng vẫn khuyên tôi học chuyên về ban D với các môn toán, tiếng Anh và văn. Rõ ràng, tôi không thể có ngày hôm nay nếu không giỏi tiếng Anh, cũng như nắm bắt nhiều vấn đề về tình hình xã hội.

Empty
Empty

Việc am hiểu xã hội quan trọng như thế nào với một lập trình viên?

Ví dụ nhé, bạn không thể nào thiết kế, sáng tạo ra những ứng dụng trên điện thoại di động hữu ích, đơn giản, mà người dân bình thường nào cũng có thể sử dụng và cái đó người ta đang thật sự cần. Như đi khám chữa bệnh, đặt món ăn, đi xe buýt, kiểm tra hàng hóa sau sản xuất…

Làm việc trong lĩnh vực công nghệ, nhưng bạn có lệ thuộc vào công nghệ, mạng xã hội?

Nếu chăm chăm vào màn hình điện thoại hay máy tính, chắc chắn tôi không thể trở thành một GDE. Tôi thấy vấn đề đáng ngại là nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay quá “nghiện” Facebook, sống lệ thuộc vào các mạng xã hội và ngại gập màn hình lại, đi ra đời thật, tới các buổi hội thảo, diễn đàn để trực tiếp trao đổi, gặp gỡ người thật việc thật, có nhiều mối quan hệ, mở ra cho mình các cơ hội. Thay vì đặt một câu hỏi lên một nhóm hư vô nào đó trên Facebook, sao bạn không bước ra đời thật, cùng lắng nghe các buổi nói chuyện của chuyên gia, lân la bắt chuyện, làm quen lẫn nhau?

Nhưng nhiều người nói họ dùng mạng xã hội như YouTube, Facebook để xem phim hài, coi đá bóng, giải trí?

Tôi thích bước ra ngoài sân cỏ và đá bóng thật với người thật hơn. Ra ngoài vui chơi, giải trí hơn là cả ngày chỉ ôm máy tính và chơi game. Thích bước ra rạp hay những buổi chiếu phim chung với nhiều bạn trẻ khác hơn, để được tương tác, được kết nối, hơn là chỉ đối diện với cái màn hình. Tôi thích có những thần tượng như nhà toán học Ngô Bảo Châu, kỹ sư Dương Quang Thiện hơn là những cái tên ồn ào trong showbiz. Tôi thích câu Low tech - High touch, nôm na là giảm công nghệ, tăng kết nối, những ý tưởng tuyệt vời, những cơ hội, mối quan hệ trong công việc, đời sống của bạn từ những cuộc gặp gỡ ngoài đời thật.

Cảm ơn Sinh về cuộc trao đổi thú vị!

Empty
Empty

Theo Thanh niên