Vùng quê như khu du lịch sinh thái

Đường dẫn vào thôn Khê Thượng (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đẹp như trong những bộ phim nước ngoài. Chân bờ tường của các hộ gia đình phần lớn được đã trồng cây chuỗi ngọc thành hàng dài, cao khoảng 30cm. Nhiều đoạn, bà con trồng hoa cúc, mười giờ, trâm tím trổ hoa rất đẹp. Hình ảnh những hàng rào hoa nối tiếp chạy dọc hai bên đường trở thành nét riêng của các tuyến đường giao thông Việt Dân và mật độ cây xanh ở đây cũng rất lớn với các loại cây sấu, Osaka, chuỗi ngọc…

Với tinh thần chính quyền và nhân dân cùng làm, đến nay Việt Dân đã bê tông hóa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng 100% tuyến đường trục xã, thôn, xóm với khoảng 35km; riêng tuyến đường trục xã dài 18km được đặt tên đường, chẳng hạn như: Tuyến đường kiểu mẫu Gốc Sung, thôn Phúc Thị; Tuyến đường kiểu mẫu Khê Thượng, thôn Khê Thượng…, có hệ thống biển chỉ dẫn rõ ràng. Toàn bộ đường giao thông trong xã được nâng cấp sửa chữa hoàn thiện, đường liên thôn rộng tới 7m, đường trong xóm mở rộng 5m. Việt Dân là xã tiên phong thực hiện đánh số nhà cho 100% nhà dân trên địa bàn.

Người dân tích cực trồng cây xanh, hiện không chỉ dọc các tuyến đường giao thông, mà cả những vị trí đất công cộng, các nhà văn hóa thôn, trụ sở hành chính, trường học… cũng tràn ngập sắc hoa, cây cảnh, khiến cảnh sắc luôn trong lành, tươi đẹp, tràn đầy sức sống.

Để bảo vệ môi trường, xã sớm thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Người dân phân loại rác từ trong gia đình, tham gia các ngày “Chủ nhật xanh” để dọn vệ sinh môi trường chung, có ý thức trong chăn nuôi sinh học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học, đặc biệt là thuốc diệt cỏ để tránh ảnh hưởng đến môi trường. An ninh trật tự được đảm bảo, nhiều năm không có khiếu kiện đông người, trọng án. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng của Việt Dân phát triển với trên 50 câu lạc bộ các loại, góp phần làm giàu thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Hai bên đường rợp bóng cây xanh, hoa lá ở xã Việt Dân

Hai bên đường rợp bóng cây xanh, hoa lá ở xã Việt Dân

Việt Dân là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn Nông thôn kiểu mẫu với hàng loạt tiêu chí nâng cao bổ sung trong Quyết định 691 của Thủ tướng, ban hành tháng 8/2018. Việt Dân đã đạt và đạt ở mức cao cả 8 tiêu chí đề ra, trong đó ấn tượng nhất là tiêu chí về thu nhập của người dân và gìn giữ cảnh quan, môi trường. Xã Việt Dân đã có một diện mạo mới: tươi đẹp và yên bình với những con đường hoa, các khu vườn mẫu như hình ảnh của một khu du lịch sinh thái.

Làng của những nông dân “triệu phú”

8 tiêu chí đề ra trong xây dựng “Nông thôn kiểu mẫu” hay đầy đủ là “Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020” thì khó nhất là tiêu chí về thu nhập người dân và môi trường. Thu nhập của người dân nâng cao chính là điều kiện, nguồn lực quan trọng để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới khác. Trong bối cảnh trên địa bàn xã hầu như không có doanh nghiệp, xã Việt Dân, đã chọn hướng đi là xây dựng vùng sản xuất hàng hoá cây ăn quả, chủ lực là sản phẩm na dai nổi tiếng và một số cây ăn quả khác.

Vào ngôi biệt thự của gia đình ông Đỗ Văn Huân, thôn Khê Thượng, xã Việt Dân, khó có thể tin được rằng cơ ngơi đồ sộ này được ông xây dựng nhờ tiền bán na trong vườn. Ông Đỗ Văn Huân cho biết, gia đình ông có gần 1 ha na chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc, na có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon và rất được giá. Mỗi ngày gia đình ông bán ra thị trường hàng tạ na với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg.

Biệt thự và vườn na nhà ông Đỗ Văn Huân ở xã Việt Dân

Biệt thự và vườn na nhà ông Đỗ Văn Huân ở xã Việt Dân

Với gần 3.000 gốc, sản lượng từ vườn na dai nhà ông Huân đạt khoảng gần 30 tấn. Sau khi trừ chi phí, ước tính vụ na này nhà vườn của ông Đỗ Văn Huân có thể thu về vài trăm triệu đồng. "Na nhà tôi chín đến đâu là bán hết sạch đến đấy. Khách đặt thêm cũng không có đủ hàng để bán", ông Huân nói.

Được cán bộ và kỹ thuật viên tập huấn kỹ thuật canh tác mới, nhiều nhà vườn ở xã Việt Dân và các xã khác trên địa bàn huyện Đông Triều đã tích cực tham gia học tập và áp dụng mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap (bón phân hữu cơ, phân chuồng ủ mục; phun thuốc sâu sinh học; làm cỏ thủ công...) trên những mảnh vườn của gia đình. Kết quả mang lại chất lượng na ngon hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất cao và mang lại giá trị lớn.

Chị Trần Thị Hoa, người dân xã Việt Dân chia sẻ: Đạt chuẩn nông thôn mới rồi tiếp tục xây dựng mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Mọi người có thêm thu nhập, có điều kiện phát triển đời sống và chăm lo cho con cái nhiều hơn.

“Các nhà trong xã tham gia sản xuất cây ăn quả đều mang lại hiệu quả kinh tế, nhà ít thì thu nhập 100-200 triệu đồng/năm, những nhà có diện tích vườn rộng thu đến 400-500 triệu đồng. Khi thu nhập tăng lên nhà nào cũng xây sửa nhà cửa, đầu tư tiếp vào sản xuất…” - chị Hoa nói.

Từ xây dựng phát triển kinh tế làm động lực, các phong trào văn hoá thể thao cũng được chú trong để nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần cho người dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,3%, người dân được thường xuyên theo dõi sức khoẻ. 60% người dân trong xã tham gia các phong trào thể thao nhiều câu lạc bộ được thành lập như bóng đá, bóng bàn, cầu lông… Mỗi thôn có một đội văn nghệ được thành lập và hoạt động thường xuyên tham gia các phong trào văn nghệ của xã và Thị xã Đông Triều.

anh4

Các “triệu phú na” như gia đình ông Huân ở xã Việt Dân không hiếm. Phát triển mạnh vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp giữa trồng lúa chất lượng cao, cây màu các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất đã giúp nhiều, rất nhiều hộ ở Việt Dân giàu lên, từ đó nâng cao cả về đời sống vật chất và tinh thần của bà con.

anh5

Ông Đỗ Đình Thế, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho biết: Xã chọn hướng phát triển nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là cây ăn quả, kinh tế hộ gia đình và khuyến khích hình thành các tổ hợp tác sản xuất và các hợp tác xã nông nghiệp, lấy đây là nòng cốt để liên kết sản xuất và kết nối đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ vậy, giá trị trên mỗi ha diện tích canh tác của Việt Dân đạt từ 200 - 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của người dân hiện tăng gấp 2 lần so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài học từ xã đầu tiên đạt nông thôn mới kiểu mẫu

Việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Việt Dân thống nhất cách làm “từ trong nhà ra ngoài ngõ”, làm từ dưới lên trên; bắt đầu từ xây dựng hộ, vườn, thôn kiểu mẫu rồi đến xã nông thôn mới kiểu mẫu; lấy thôn, từng hộ gia đình làm trọng tâm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Sự thành công trong xây dựng đó là tập hợp được sức dân.

Xã Việt Dân đã đạt ở mức cao, ấn tượng nhất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là tiêu chí về thu nhập của người dân bình quân đã đạt 55 triệu đồng/người/năm. Thời điểm đạt chuẩn xã nông thôn mới (năm 2013), thu nhập bình quân của người dân xã mới ở mức 27,25 triệu đồng. Với cơ cấu nông nghiệp chủ yếu là cây lương thực và một phần cây ăn quả, song 50% diện tích đất canh tác lại ở vùng trũng, dễ úng lụt; chưa thuận lợi trong tiêu thụ hàng hóa.

anh6

Khắc phục tình trạng này, Việt Dân phát huy kinh nghiệm và khả năng sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong canh tác nông nghiệp của người dân; tích cực dồn điền đổi thửa để tạo ra vùng sản xuất tập trung; thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng cây ăn quả; vận dụng nhiều nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu…

Thu nhập của người dân nâng cao, tính hiệu quả của các mô hình kinh tế được thấy rõ, thương hiệu nông sản sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Việt Dân được khẳng định trên thị trường. Khi đời sống được nâng cao người dân càng tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Miền quê sạch đẹp, thanh bình, đời sống nhân dân khấm khá

Miền quê sạch đẹp, thanh bình, đời sống nhân dân khấm khá

Ông Nguyễn Văn Ngoãn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương chỉ đạo tiếp tục duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí để lộ trình trở thành phường, trong đó tập trung vào sản xuất và môi trường nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

“Chúng tôi phấn đấu tới năm 2020 có thêm 2 xã là Bình Khê và An Sinh sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2019, chúng tôi phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí của 14 xã còn lại để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, ông Ngoãn thông tin.

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) cần tiếp tục phát triển, ổn định giữ vững thương hiệu của Quảng Ninh, cùng với đó là làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng bá thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch ẩm thực, trải nghiệm, du lịch miền quê mang đậm bản sắc riêng.

Xây dựng nông thôn mới sẽ không có điểm kết thúc

Ông Vũ Thành Long Trưởng Ban xây dựng nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho rằng, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc, đạt được các mức theo tiêu chí, tiếp tục phấn đấu mức cao hơn. “Quá trình xây dựng nông thôn mới quan trọng nhất là đã thay đổi được ý thức người dân, công trình xây dựng nông thôn mới ngoài giá trị vật chất thì giá trị lớn nhất là sự “chung tay”, người dân cùng nhau đóng góp xây dựng với sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Long nói.

Theo VOV