Chính phủ dự kiến vay thêm gần 460.000 tỷ trong 2020

22/10/2019, 07:47

TCDN - Để đảm bảo huy động số vốn vay này, Chính phủ dự kiến phát hành 300.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong nước, kỳ hạn 5 năm trở lên và đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân 6-8 năm.

photo1491816612072-1491816612304-0-0-385-621-crop-1491816626168-1493822554344

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội tình hình nợ công 2019 và dự kiến 2020, trong đó dự kiến sẽ vay thêm một khoản gần 460.000 tỷ để cân đối ngân sách Trung ương.

Theo báo cáo của Chính phủ, các khoản nợ gốc và lãi được chi trả đúng hạn, đầy đủ theo cam kết. Luỹ kế 9 tháng năm 2019, Chính phủ đã trả nợ khoảng 237.470 tỷ đồng (hơn 71% kế hoạch năm). Trong đó khoản nợ trong nước đã trả hơn 196.280 tỷ, nợ nước ngoài xấp xỉ 41.190 tỷ đồng.

Năm 2020, Chính phủ cần huy động khoảng 459.400 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương. Trong số này, khoảng 217.800 tỷ đồng vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương, khoản tiền tương đương sẽ được vay để trả nợ gốc và vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội là 9.100 tỷ đồng. 

Để đảm bảo huy động số vốn vay này, Chính phủ dự kiến phát hành 300.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong nước, kỳ hạn 5 năm trở lên và đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân 6-8 năm. 

Cùng đó, giải ngân 107.400 tỷ đồng từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là vốn cho các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Ngoài ra, huy động từ nguồn ngoài ngân sách, các nguồn khác khoảng 95.400 tỷ đồng. 

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ Chính phủ năm 2020 khoảng 379.100 tỷ đồng, gồm trả nợ trực tiếp 348.000 tỷ, trả nợ vay về cho vay lại 30.100 tỷ đồng. Với kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ, dư nợ Chính phủ tới cuối năm 2020 chiếm khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài quốc gia 45,5% GDP; nợ công khoảng 54,3% GDP.

Tuy các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP giảm so với các năm trước, nhưng điều này lại phản ánh thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Mặt khác, ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.

Trong báo cáo này Chính phủ cũng thừa nhận, các chỉ tiêu chi phí, rủi ro danh mục nợ "kém thuận lợi hơn trước" dù quy mô danh mục nợ đến cuối năm 2019 giảm, ở mức 49,2% GDP. Một trong những lý do là rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách nhà nước.

Riêng với danh mục trái phiếu chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ trái phiếu Chính phủ tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020-2021. Ngoài ra còn các khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1,7 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, Chính phủ nhấn mạnh, việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước.

Rủi ro khác nữa được Chính phủ nhận diện là lãi suất danh mục nợ nước ngoài tăng lên do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng, từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019. Với điều kiện thị trường vốn quốc tế thắt chặt hơn, thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ cũng tăng lên tương ứng.

Điểm lưu ý nữa là sự thay đổi của các bên cho vay với Việt Nam. Theo đó, các nhà tài trợ điều chỉnh chính sách cho vay từ cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn. Cá biệt có những khoản vay chi phí huy động vốn tăng gấp đôi trước đây, làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ. 

Các khoản vay ODA sẽ giảm dần và sẽ kết thúc trong 5 năm tới, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Vì thế, Chính phủ sẽ phải huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, việc không phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 5 năm cũng khiến đường cong lãi suất chuẩn không đầy đủ, thiếu lãi suất ngắn hạn tham chiếu cho thị trường vốn, giảm nhu cầu của nhà đầu tư đối với loại trái phiếu này.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ dự kiến vay thêm gần 460.000 tỷ trong 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp vay nợ nước ngoài tăng mạnh
Việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tập trung ở một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn.