Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển

05/10/2019, 17:21

TCDN - Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình”.

doanh-nhan1

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.

“Đạt được những kết quả đó phải kể đến đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp chính là đội quân chủ lực, trong đó các doanh nhân là "những vị tướng lĩnh, những sĩ quan chỉ huy" để lãnh đạo, quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, quyết định sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.

Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của doanh nghiệp FDI cơ bản giữ nguyên.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân dù đã phát triển mạnh mẽ nhưng đa số quy mô còn nhỏ, siêu nhỏ, còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu đàn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn ở mức thấp trong tương quan với các doanh nghiệp quốc tế và khu vực. Các doanh nhân Việt Nam còn phải thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập, thiếu tính liên kết trong hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gồm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến; Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển; Tiếp tục hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam, đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực; Tạo môi trường chính trị ổn định, môi trường hoà bình là điều kiện quyết định cho phát triển đất nước. .. 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy tối đa vai trò của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp; đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển doanh nghiệp; Tập trung, nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở nhu cầu của thị trường; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển trên nền tảng công nghệ số; Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau để hợp tác phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Tuân thủ pháp luật, quan tâm đến chia sẻ trách nhiệm xã hội;

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định thương mai song phương/ đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và EVIPA)…

Song Hà
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899