Chống ngập Tp.HCM đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 98

17/07/2023, 20:37
báo nói -

TCDN - Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho phép Tp.HCM chủ động triển khai, huy động nhiều hơn nguồn lực xã hội hoá cho các dự án hạ tầng, trong đó có chống ngập thông qua hình thức BT.

Mùa mưa năm nay đến sớm, bắt đầu từ tháng 05/2023, Tp.HCM đã có mưa rải rác và giai đoạn từ 26/06 - 06/07 ghi nhận lượng mưa lớn hơn.

Không hiệu quả do thiếu vốn

Cụ thể, lượng mưa đo được tại trạm Thủ Đức ngày 29/06 là 65,2mm; tại trạm Hóc Môn ngày 02/07 là 59,2mm; tại trạm An Phú ngày 05/07 là 46,7mm; tại Cần Giờ 47mm; còn tại các quận trung tâm như Q.3, Q.10, Q.11 lượng mưa đo được từ 40 - 60mm thông qua hệ thống radar.

Hình ảnh người dân Tp.HCM khổ sở vì ngập nặng sau mỗi trận mưa hay triều cường đã trở nên quá quen thuộc (Ảnh: Nguyễn Quang).

Hình ảnh người dân Tp.HCM khổ sở vì ngập nặng sau mỗi trận mưa hay triều cường đã trở nên quá quen thuộc (Ảnh: Nguyễn Quang).

Đây không phải là lượng mưa quá lớn nhưng tình trạng ngập úng kéo dài vẫn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn Tp.HCM gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu theo ông Đỗ Tấn Long, PGĐ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM là do lượng mưa quá lớn, hệ thống cống thoát nước hiện có không thể kham nổi.

Việc này, nói như Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt tại kỳ họp HĐND Tp.HCM vừa qua là không có gì mới mẻ, đã lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua khiến người dân quá khổ sở. Và đã đến lúc Thành phố cần phải có giải pháp khơi thông dòng chảy hoặc giải quyết việc chống ngập tốt hơn mà không chần chừ được nữa.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Khiết, PGĐ Sở Xây dựng cho biết, đa số các dự án, chương trình giải quyết chống ngập, hỗ trợ chống ngập hiện nay kinh phí bố trí rất khiêm tốn.

Theo báo cáo của đơn vị thi công, hiện Cống Mương Chuối đã đạt 96% khối lượng thi công (Ảnh: Hoàng Anh).

Theo báo cáo của đơn vị thi công, hiện Cống Mương Chuối đã đạt 96% khối lượng thi công (Ảnh: Hoàng Anh).

Giai đoạn 2021-2025, Tp.HCM cần đến 100.000 tỷ đồng cho 120 dự án chống ngập và xử lý nước thải nhưng chỉ được giao hơn 17.000 tỷ. Trong đó, giai đoạn 2021-2022 đã bố trí vốn 6.7000 tỷ đồng. Với mức kinh phí này, hiện chỉ tập trung giải quyết được 7 tuyến đường ngập do triều cường và 5/18 tuyến ngập do mưa. Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020 cũng cần đến 97.000 tỷ đồng cho chống ngập nhưng thực tế chỉ được bố trí được khoảng 50%.

Đặt kỳ vọng ở Nghị quyết 98

Những con số trên đã chỉ ra, Tp.HCM đang chống ngập chậm trễ, thiếu đồng bộ do nguồn vốn không đảm bảo. Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá thì quá nhanh, dự án chung cư, nhà cao tầng mọc lên liên tục khiến hạ tầng “nặng gánh”. Đó là chưa kể, một loạt dự án chống ngập đang triển khai và không thể về đích do các vướng mắc về cơ chế, pháp lý. Nổi cộm nhất là dự án chống ngập do triều cường, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam.

Công trường ngổn ngang gạch đá, vật liệu xây dựng tại công trường Cống Mương Chuối (Ảnh: Hoàng Anh).

Công trường ngổn ngang gạch đá, vật liệu xây dựng tại công trường Cống Mương Chuối (Ảnh: Hoàng Anh).

Dự án khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động sau 3 năm. Tuy vậy, đến nay đã 7 năm, dự án vẫn chưa thể về đích sau “năm lần bảy lượt” gia hạn, tạm dừng thi công, ký phụ lục hợp đồng. Hiện 5 cống gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Cây Khô và Phú Định vẫn “án binh bất động”, còn Cống Mương Chuối đã bắt đầu thi công trở lại từ tháng 03/2023. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 12/7, trên công trường chỉ lác đác vài công nhân làm việc theo kiểu cầm chừng.

Về nguyên nhân chưa tái khởi công ở khu vực 5 cống còn lại và tiến độ giải quyết các vướng mắc hợp đồng BT, PV đã nhiều lần liên hệ bộ phận truyền thông Tập đoàn Trung Nam nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Có thể thấy, trường hợp của Tập đoàn Trung Nam là minh chứng rõ ràng cho những vướng mắc về cơ chế, thủ tục pháp lý khiến cho lĩnh vực chống ngập nói riêng hay hạ tầng nói chung khó thu hút được nguồn vốn xã hội hoá. Tuy vậy, cái “khó” này hoàn toàn có thể giải quyết triệt để từ ngày 01/08 tới đây, khi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Tp.HCM chính thức có hiệu lực.

Hiện tại, Sở Xây dựng đã trình báo cáo Uỷ ban các đề xuất, kiến nghị liên quan đến dự án chống ngập, thoát nước. Ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, Sở này sẽ chủ yếu tập trung vào bố trí vốn, kê gọi nguồn lực xã hội hoá, cũng như sử dụng nguồn vốn vay ODA để tập trung vào các dự án đã được phê duyệt.

Nghị quyết 98 với nhiều đặc quyền tự quyết liên quan đến các đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, dự án công cộng được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho sự phát triển chung về kinh tế - xã hội Tp.HCM đến năm 2030. Đáng chú ý là trường hợp thanh toán hợp đồng BT bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất thay vì đổi đất lấy hạ tầng như trước đây.

Trao đổi với PV, một công nhân tại công trường Cống Mương Chuối cho biết, dù khối lượng công việc nhiều, công trình lớn nhưng hiện tại chỉ có 4 công nhân đang làm việc, lâu lâu mới được tăng cường thêm vài người trong thời gian ngắn. Thậm chí, nhiều hôm đang làm thì bị cúp điện do nợ tiền điện không kịp đóng. Vì vậy, nam công nhân này rất mong muốn dự án sớm được “bơm” tiền để đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất công trình.

Hoàng Anh
Bạn đang đọc bài viết Chống ngập Tp.HCM đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 98 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bất động sản Tp.HCM và phụ cận khó có đột biến
Trong Quý 2/2023, thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM và vùng phụ cận có sức cầu toàn thị trường tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo Quý 3/2023, thị trường có những tín hiệu khởi sắc nhưng khó đột biến trong ngắn hạn.
Tp.HCM lần đầu có lễ hội sông nước
Lễ hội Sông nước nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của Tp.HCM. Qua đó góp phần truyền cảm hứng khám phá điểm đến du lịch Thành phố tới du khách trong nước và quốc tế.