Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Pfizer
TCDN - Nhân dịp tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 76, sáng 23-9 (theo giờ Mỹ) tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Công ty Pfizer, chuyên sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
Trước đó, vào trưa 22-9 (theo giờ Mỹ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch COVID-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng LHQ khóa 76.
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trước kẻ thù dịch bệnh, tôi cho rằng bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân phải là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần hành động quyết liệt để phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly kịp thời và điều trị hiệu quả, tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm oxy, máy thở và thuốc điều trị, đặc biệt là nhanh chóng tiêm vắc xin trên diện rộng".
Bài phát biểu cũng nêu ra đề xuất "cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vắc xin, trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất vắc xin ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xóa bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vắc xin. Việt Nam sẵn sàng tham gia vào nỗ lực đó".
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tối 20-8, ông Albert Bourla - chủ tịch, giám đốc điều hành Công ty Pfizer - hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin, sẵn sàng hợp tác về thuốc điều trị COVID-19 với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Pfizer ưu tiên, quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam theo các hợp đồng, thỏa thuận, trước mắt là hoàn thành cam kết số lượng vắc xin giao trong tháng 8, tháng 9 và quý 4 năm 2021, sớm bàn giao vắc xin cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn Pfizer hỗ trợ để Việt Nam được vay, nhượng lại số vắc xin hiện chưa có nhu cầu sử dụng từ nước khác; đề xuất tăng cường và thiết lập các hình thức hợp tác mới như chuyển giao công nghệ về vắc xin và nhất là thuốc điều trị COVID-19.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899