Chương trình khuyến công quốc gia: Nguồn lực yếu, thiếu kinh phí

27/05/2019, 09:21

TCDN - Hơn 18.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề; 210 mô hình được hỗ trợ trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia được tôn vinh…. là kết quả của CT Khuyến công quốc gia giai đoạn 2014 – 2018.


Nguồn vốn còn hạn chế so với nhu cầu

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng cục Công thương địa phương, Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 – 2018 của cả nước đã được phê duyệt là 1.186,193 tỷ đồng. Thông qua chương trình, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%). Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho 10.240 học viên tại các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thông qua các lớp đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, điều hành, đào tạo nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới để giới thiệu các mô hình điển hình này tới các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa phương. Hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường…

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ chỉ ra, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về khuyến công quy định, chỉ các đối tượng nằm trên địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa được hưởng chính sách khuyến công. Trong khi những đơn vị ở cấp quận, có nhu cầu, năng lực triển khai thực hiện đầu tư lại không được hỗ trợ. Nghị định cũng quy định giao cho chính quyền địa phương cân đối ngân sách, trong trường hợp địa phương không thực hiện được dẫn tới không thể triển khai công tác khuyến công ở địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng băn khoăn, với nguồn lực hạn chế, Chương trình KCQG những năm trước chủ yếu dồn vào thực hiện một số nội dung như đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tham gia hội chợ triển lãm. Tuy nhiên, nguồn vốn của chương trình rất hạn chế so với nhu cầu, cần sự căn cơ trong thực hiện cũng như cần xây dựng mô hình hỗ trợ trong tổng thể, chứ không phải chỉ chạy theo chuỗi nào đó.

Ông Nguyễn Mạnh Tường,Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh chia sẻ, trong 5 năm qua Hà Tĩnh đã làm tốt công tác khuyến công, kinh phí khuyến công Hà Tĩnh đang có sức hút lớn đối với các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Trong đó, phần lớn nguồn kinh phí trên được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Việc ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp triển khai đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại đã tạo ra động lực to lớn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực còn yếu nên Hà Tĩnh mong muốn nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án khuyến công, nhờ đó doanh nghiệp có điều kiện được mở rộng đầu tư sản xuất, tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển.

Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn mới, chương trình KCQG cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, sau 5 năm triển khai Chương trình KCQG đã nổi lên một số tồn tại bất cập cần giải quyết. Thứ nhất, ý nghĩa mục tiêu và yêu cầu của chương trình rất lớn, rất tham vọng khi hướng tới mục tiêu rất cơ bản là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, trên cơ sở đó tạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có hiệu quả, phục vụ tốt cho CNH - HĐH và hội nhập quốc tế của Việt Nam thành công. Nhưng vấn đề lớn nhất bộc lộ rõ nhất đang tồn tại là sự hạn chế về nguồn lực.

Chương trình có 7 nhiệm vụ lớn trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là giới thiệu và trình diễn công nghệ để đưa vào ứng dụng, để nâng cao hơn nữa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhưng cũng rất khó khăn.

Vấn đề nữa là gắn chương trình với phát triển bền vững và hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi vai trò chủ yếu thuộc về của các thành phần kinh tế ở địa phương chủ yếu là DN nhỏ và rất nhỏ, làng nghề, hộ kinh tế thì khoảng trống pháp lý còn rất thiếu và rất yếu. Ba là công tác đào tạo nghề phục vụ cho truyền nghề, trao đổi kinh nghiệm phát triển các làng nghề truyền thống cũng đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương và nguồn kinh tế rất lớn…

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, mỗi năm trung bình Chương trình KCQG chỉ có 130 tỷ đồng và chia cho 63 tỉnh thành cả nước. Sự hạn chế nguồn lực đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động KCQG.

Thời gian tới, việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi những tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước.

Hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại do hoạt động thương mại trên thế giới đang có chiều hướng chững lại; hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế của các FTA...

Để thúc đẩy Chương trình KCQG phát triển, phải thống nhất lại quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá về Chương trình này trong tổng thể chính sách phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược công nghiệp Quốc gia đến Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để thấy công nghiệp địa phương trong tổng thể hệ thống công nghiệp. Từ đó mới thấy hết được ý nghĩa của chương trình để hoạch định chính sách phát triển.

Hai là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nhất là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Ba là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong công tác khuyến công, đặc biệt trong phối hợp tổ chức để tạo liên kết ngang, dọc với các hiệp hội ngành nghề cũng như với các tổ chức khác… đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các chương trình khuyến công.

Thu Hoài - Tạp chí TCDN số 5/2019
Bạn đang đọc bài viết Chương trình khuyến công quốc gia: Nguồn lực yếu, thiếu kinh phí tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận