Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và học tập các học phần dạy học theo dự án

25/03/2024, 21:35
báo nói -

TCDN - Bài viết cung cấp tổng quan nghiên cứu về lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện về chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục đại học, việc học tập các học phần dạy học theo dự án của sinh viên đại học.

1-1

TÓM TẮT: 

Bài viết cung cấp tổng quan nghiên cứu về lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện về chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục đại học, việc học tập các học phần dạy học theo dự án của sinh viên đại học. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích tổng quan về vấn đề nghiên cứu, bài viết đưa ra các khuyến nghị về hướng nghiên cứu trong tương lai.

1. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan các nghiên cứu về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học không chỉ đơn thuần là chuyển đổi công nghệ. Từ góc độ thể chế, CĐS theo nghĩa rộng được hiểu là một cách để xác định trước nhu cầu và hành vi của các bên liên quan, đồng thời cung cấp các dịch vụ giáo dục, nghiên cứu và xã hội phù hợp với nhu cầu của sinh viên, những người tận dụng lợi thế của dịch vụ trong một môi trường thay đổi. Vì lý do này, CĐS trong giáo dục đang được thực hiện từng bước trên toàn thế giới, trong đó chú ý đến việc giúp sinh viên có các công cụ số có thể truy cập được ở bất cứ nơi nào có thiết bị đầu cuối kết nối trực tuyến. Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mang đến những thay đổi đối với giáo dục và đào tạo nói chung, các cơ sở đào tạo Kế toán nói riêng, mang đến những đột phá mới trong hoạt động đào tạo, mô hình đào tạo bằng các truyền tải kiến thức hoàn toàn mới như E - learning, Mobile - learning… Đây là cơ hội cho các trường đại học chuyển mình để đi tắt đón đầu với xu thế, ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng các chương trình đào tạo hệ chính quy của trường.

Trên thế giới việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học và ứng dụng E-learning vào trong giáo dục đã được nghiên cứu từ những năm 90, khởi đầu E-learning được nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ ở khu vực Bắc Mĩ, Châu Âu. Nghiên cứu của nhóm tác giả Branco, F., Martins, J., Gon-alves, R., Bessa, J., & Costa, A. (2015) về “Quan điểm của sinh viên trong giáo dục đại học về hệ thống thông tin quản lý giáo dục: Đề xuất mô hình thành công ban đầu”. Khi giáo dục đại học phát triển thành một hoạt động đa diện và phức tạp, việc kết hợp hệ thống thông tin quản lý giáo dục cho phép tiếp cận thông tin có liên quan, có tổ chức và có cấu trúc, trở thành nhu cầu thiết yếu đối với cả học viên và sinh viên.

Theo Josep M. Mominos - Juli Carrere (2016), tại Bồ Đào Nha, các nghiên cứu thuộc chương trình chuyên gia tập huấn môi trường học tập ảo cung cấp một mô hình hỗ trợ cho các nhà giáo dục và hướng dẫn viên phát triển các năng lực để sử dụng và tích hợp công nghệ thông tin trên công nghệ web, theo cách tiếp cận học tập hợp tác. Các khóa học được thiết kế thông qua mục tiêu: Phát triển thái độ đối với việc sử dụng và tích hợp công nghệ; Phát triển năng lực để lập kế hoạch và giám sát giáo dục từ xa dựa trên web; Phát triển năng lực tích hợp và sử dụng công nghệ thông tin truyền thông cho giáo dục từ xa thông qua web; Phát triển các chiến lược, phương pháp để thúc đẩy quá trình học tập trong môi trường giáo dục dựa trên website.

Nghiên cứu của Bence Bogdandy và cộng sự (2020) về chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục thời kỳ Covid - 19: Nghiên cứu điển hình”, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát bao gồm 27 câu hỏi tập trung vào trải nghiệm, cảm xúc và biểu hiện tổng thể của học sinh liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục và những thay đổi trong thời kỳ Covid - 19 cùng với một số câu hỏi liên quan đến sự chuẩn bị về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Theo nghiên cứu của Phạm Thị Mai Vui và công sự (2020) về đề tài “Học trực tuyến: các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người đọc”, được thực hiện nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với công tác cố vấn học tập (CVHT) tại Khoa Phát triển Nông thôn (PTNT), Trường Đại học Cần Thơ. Trong nghiên cứu, 452 sinh viên được khảo sát theo phương pháp chọn mẫu phân tầng và ngẫu nhiên. Phương pháp thống kê mô tả, kiểm định thang đo về độ tin cậy Cronbach’s Alpha, nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả phân tích cho thấy đa phần sinh viên cảm thấy hài lòng với công tác CVHT tại Khoa PTNT. Có hai nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng chung của sinh viên: (i) Chất lượng chức năng và (ii) Chất lượng kỹ thuật. Trong đó nhân tố thứ nhất tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của sinh viên.

Nghiên cứu của Nguyễn Cao Trí (2020) về “Chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng trong giáo duc đại học: Cách tiếp cận mới và kinh nghiệm từ Đại học Văn Lang” đã phân tích ảnh hưởng của chuyển đổi số đến nâng cao chất lượng đào tạo và thức đẩy bình đẳng trong giáo dục đại học, cùng với việc thảo luận vai trò của công nghệ trong việc giám sát bình đẳng giáo dục đã chỉ ra rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học có thể tại ra đột phá trong việc thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục ở hai phương diện: tăng cường sự tiếp cận của người học, đặc biệt là thành phần yếu thế; và nâng cao chất lượng đào tạo nhờ khai thác sức mạnh công nghệ. Tác giả cũng đề xuất, để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số hướng đến bình đẳng trong giáo dục, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những ưu tiên chính sách sau: (i) Rà soát, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp cản trở việc chuyển đổi số; (ii) Hỗ trợ các trường đại học với cơ chế tài chính và các khung khổ hướng dẫn chung cho quá trình chuyển đổi số, trong đó ưu tiên các trường đi tiên phong không phân biệt công hay tư; (iii) Cho phép một số trường đại học đi tiên phong trong chuyển đổi số thử nghiệm các mô hình đào tạo mới đột phá; (iv) Và xây dựng platform để gắn kết học sinh phổ thông và phụ huynh với các trường đại học nhằm tăng động lực và sự tiếp cận đại học của học sinh, đặc biệt đối với các em thuộc thành phần yếu thế trong xã hội.

Đinh Tiến Minh và cộng sự (2021) trong nghiên cứu về “Chuyển đổi số trong giáo dục: Blended Learning tại Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM” nhằm trình bày sự cần thiết của công cuộc chuyển đổi số cần được áp dụng ngay và tức thì tại các cơ sở giáo dục nói chung và tại Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM nói riêng, qua đó đánh giá thực trạng học tập từ các tình huống điển hình của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Tác giả đã tiến hành khảo sát trên 9.706 người học trên cả 3 đối tượng là đại học chính quy, vừa làm vừa học và sau đại học cùng với các phản hồi từ giảng viên đã nổi lên một số điểm sau: Người học nhận thấy được nhiều điểm tích cực khi học tập - nghiên cứu trực tuyến cùng với giảng viên. Tuy không thể thay thế hoàn toàn mô hình đào tạo truyền thống khi được xem xét ở nhiều góc độ sư phạm khác nhau nhưng cũng không thể phủ nhận những hiệu quả mà những hoạt động đào tạo trực tuyến đem lại.

Trong khi đó, Trần Đức Hòa và cộng sự (2021) đã tiến hành khái quát bối cảnh chuyển đổi số và nhu cầu về nhân lực có năng lực số, đối sánh một số khung năng lực số đang được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới, từ đó đề xuất một khung năng lực số dành cho sinh viên Việt Nam với bảy nhóm năng lực: Vận hành thiết bị và phần mềm; Năng lực thông tin và dữ liệu; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An ninh và an toàn trên không gian mạng; Học tập và phát triển kỹ năng số và năng lực số liên quan đến nghề nghiệp. Việc nghiên cứu khung năng lực số và xây dựng chương trình đào tạo năng lực số cho người trẻ, cụ thể là sinh viên là một bước đi cần thiết cho giáo dục đại học Việt Nam.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu về “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: nghiên cứu tổng quan”, Dương Thị Thái và cộng sự (2021) đã hệ thống tổng quan tài liệu để cung cấp những thông tin tổng hợp về hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục đại học bằng phương pháp sử dụng các cơ sở dữ liệu như Web of Science (WoS), Google Scholar, Research Gate, ScienceDirect để tiếp cận các bài báo về chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Các bài báo được lựa chọn để nghiên cứu tổng quan phải đáp ứng các tiêu chí: có nội dung về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, viết bằng tiếng Anh và có thể tiếp cận toàn văn. Tổng cộng có 24 bài báo được sử dụng để nghiên cứu tổng quan. Dựa vào các kết quả của nghiên cứu tổng quan này, nghiên cứu thực nghiệm trong tương lai có thể xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến công tác triển khai hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

1.2. Tổng quan nghiên cứu về dạy học theo dự án/ đồ án

Đầu thế kỷ XX, các nhà sư phạm Mỹ đã xây dựng cơ sở lý luận cho phương pháp dự án (The Project Method) và coi đó là một phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, nhằm khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống coi giáo viên là trung tâm. Ban đầu, phương pháp dự án được sử dụng trong dạy thực hành các môn kỹ thuật, về sau được dùng trong hầu hết các môn học khác. Với các môn học xã hội, nhất là các môn thuộc chuyên ngành Kế Toán, bên cạnh việc trang bị kiến thức thì người học cần được trau dồi thêm kỹ năng và thái độ đối với học tập. Để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường thì việc tham gia các dự án mang tính thực tế ngay trong quá trình học tập tại nhà trường là điều cần thiết.

Trong nghiên cứu “Ứng dụng phương pháp dạy học theo dự án trong dạy học chuyên ngành Kĩ thuật động cơ nhiệt”, Nguyễn Đức Ca và Đinh Văn Thái (2019) đã trình bày về việc ứng dụng phương pháp dạy học theo dự án để giảng dạy học phần “động cơ nhiệt” thuộc hệ cao đẳng, đại học kĩ thuật. Các kết quả thu được bước đầu cho thấy, phương pháp dạy học trên đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và tạo hứng thú cho người học trong quá trình học tập. Phương pháp này cần được nghiên cứu, vận dụng nhiều hơn nữa trong thực tiễn dạy học trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam.

Theo tác giả Boaler, J., “Toán học cho thời điểm hiện tại hay cho thiên niên kỉ?” Nhật báo giáo dục, 1999, March 31, trong các lớp học dạy theo dự án học sinh trội hơn học sinh ở các lớp khác về hai điểm: trả lời các câu hỏi về khái niệm và giải quyết vấn đề GV đặt ra. Theo ông “học sinh trong các lớp học truyền thống phát triển kiến thức thụ động mà họ cho rằng không có ích lợi gì trong thực tế”. Trong khi đó, “học sinh được dạy theo kiểu dạy học dự án cởi mở hơn, tiến bộ hơn thì phát triển vốn kiến thức linh hoạt và có ích lợi hơn để áp dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau”. Tại trường đại học Vanderbilt (CTGV), nhóm nhận thức và công nghệ đã tổ chức các DA và đánh giá kết quả của HS qua các bài tập đã nhận thấy: (a) HS có sự tiến bộ rõ rệt về năng lực thiết kế; (b) HS có sự tiến bộ đáng kể khi làm các bài tập trắc nghiệm có nội dung liên quan đến các khái niệm.

Việc đưa mô hình giảng dạy theo dự án vào học phần là một giải pháp phù hợp giúp người học có thể tiếp cận các tình huống thực tế tương tự như khi đi làm, đòi hỏi người học cần chủ động tham gia, nghiên cứu, tìm tòi và giải quyết vấn đề một cách bài bản, từ đó rút ra được những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp cho bản thân.

Theo K. Frey, học giả hàng đầu về dạy học dự án của Cộng hòa Liên bang Đức thì: "Dạy học theo dự án (Project Based Learning - PBL) là một hình thức của hoạt động học tập trong đó, nhóm người học xác định một chủ đề làm việc, thống nhất về một nội dung làm việc, tự lập kế hoạch và tiến hành công việc để dẫn đến một sự kết thúc có ý nghĩa, thường xuất hiện một sản phẩm có thể trình ra được”. Học theo dự án nhấn mạnh vai trò của người học. Theo định nghĩa của Bộ Giáo dục Singapore: “Học theo dự án (Project work) là hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập, và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống”. Trong tạp chí Khoa Học ĐHSP-TP.HCM nhóm tác giả “Trịnh Văn Biểu; Phan Đồng Châu Thủy; Trịnh Lê Hồng Phương” đã chỉ ra những khái niệm phương pháp của dạy học theo dự án và đưa ra những giải pháp khi dạy học theo dự án/ đồ án. Trong dạy học dự án có nhiều thành tố liên quan với nhau rất mật thiết: người học, giáo viên, nội dung, phương tiện dạy học, môi trường và thời gian thực hiện dự án…

1.3. Tổng quan nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số trong giáo dục đại học đến hoạt động học tập của sinh viên.

Trên thế giới, việc chuyển đổi số trong giáo giáo đại học có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động học tập của sinh viên. Các mô hình dạy học mới được áp dụng giúp cho sinh viên thay đổi linh hoạt trạng thái học tập.

Theo nghiên cứu của Leah Zitter (2022) về “Chuyển đổi kỹ thuật số của giáo dục đại học vào năm 2024” đã phân tích các loại hình học tập điện tử trong giáo dục đại học qua đó nêu ra những thay đổi trong hoạt động học tập của sinh viên. Việc nghiên cứu các mô hình học tập đa dạng khẳng định được những ảnh hưởng to lớn của chuyển đổi số với hoạt động học tập của sinh viên. Mô hình học trực tuyến cố định so với Học trực tuyến thích ứng, học trực tuyến không đồng bộ và học trực tuyến đồng bộ, lớp học ảo và học tập trên thiết bị di động.... các mô hình dạy học này có sự thay đổi so với hình thức học tập truyền thống. Từ việc sinh viên phải luôn có mặt ở trường nếu muốn tham gia học tập, làm việc nhóm... thì sinh viên có thể học tập mọi nơi trong các hoàn cảnh khác nhau. Điều này giúp sinh viên chủ động trong quá trình học tập. Thay đổi hình thức học tập, phương pháp học tập cũng như môi trường học có thể làm phát huy được thêm khả năng sáng tạo cho sinh viên. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mắc Covid-19. Vào tháng 1 năm 2020, Bộ Giáo dục (MoE) đã thành lập một hệ thống trong đó 30 triệu sinh viên tại 3.000 trường đại học và cao đẳng sẽ được phát sóng truyền hình cả ngày về các bài học được nhà nước phê duyệt về toán, ngôn ngữ, tiếng Anh, nghệ thuật và giáo dục thể chất.

Đối với các tổ chức khu vực hoặc nhỏ thiếu nguồn lực để nhanh chóng tạo ra các lựa chọn thay thế trực tuyến, chính phủ đã cung cấp 22 nền tảng trực tuyến miễn phí với 24.000 khóa học giáo dục đại học. Tài liệu bao gồm MOOCs, SPOCs và phòng thí nghiệm ảo trên 12 môn học ở cấp đại học. Chính phủ cũng cung cấp 24.000 khóa học giáo dục đại học miễn phí cho các thị trấn nhỏ và trường làng. Đồng thời, một số ứng dụng di động và internet trực tuyến nhất định đã cung cấp các hướng dẫn miễn phí đặc biệt dành cho COVID. Khuôn mẫu thành công của Trung Quốc ở một mức độ nào đó đã được các quốc gia khác mô phỏng, bao gồm cả Mỹ trong giai đoạn 2020-2022 khi đại dịch lan rộng khắp thế giới. Qua đây khẳng định thêm được rằng, việc áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã có tác động to lớn đến hoạt động học tập của sinh viên, giúp sinh viên điều chỉnh được cách thức tiếp cận kiến thức mà không bị nhàm chán và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của bản thân và xã hội. Bên cạnh đó nghiên cứu này cũng chỉ ra được những thách thức yêu cầu thay đổi của sinh viên để phù hợp với sự đổi mới trong giáo dục đó. Cụ thể sinh viên phải nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT, sử dụng CNTT một cách hợp lí và không quá lạm dụng.

Theo nghiên cứu của Florence Martin và Kui Xie về “chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục đại học: 7 lĩnh vực để tăng cường học tập kỹ thuật số” đã phản ánh các thực tiễn và định hướng hiện tại về chuyển đổi kỹ thuật số thông qua các hình thức điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho sinh viên cũng như thay đổi cách thức học tập của sinh viên. Việc nghiên cứu này cũng cũng giúp cho sinh viên nâng cao được kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số. Áp dụng kỹ thuật số vào hình thức học tập của sinh viên, điều này liên quan đến các vấn đề về máy tính và truy cập internet: sinh viên cần có máy tính và internet để tham gia hoạt động học tập trực tuyến thay vì đến trường. Vì vậy mà kĩ năng truy cập internet và sử dụng máy tính của sinh viên là vấn đề cần nâng cao và cải thiện; Quản lý thời gian và tự điều chỉnh: Hoạt động học tập được áp dụng kỹ thuật số đi kèm với sự linh hoạt. Tuy nhiên sự linh hoạt này đặt sự phụ thuộc nhiều vào việc sinh viên chủ động, biết cách quản lý thời gian, giảm bớt sự sao nhãng và tránh trì hoãn trong quá trình học tập; Về nội dung giảng dạy và con người: Sinh viên cần có khả năng học từ nhiều định dạng nội dung khác nhau (văn bản, âm thanh, video) khi giảng viên đăng bài giảng và thảo luận. Bên cạnh đó sinh viên cần tương tác với người giảng viên, bạn bè...

Nghiên cứu của Phùng Thế Vinh (2021) về vấn đề chuyển đổi số trong quản trị đại học thì chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong quản trị đại học không phải là về đổi mới công nghệ mà còn là vấn đề văn hóa và con người. Theo tác giả, các trường đại học là các tổ chức nghiên cứu và cung cấp dịch vụ giáo dục, truyền bá và phát triển tri thức của con người, do đó, nếu không chuyển đổi số và không chuyển đổi số thành công thì sẽ không thể là nơi thu hút, đào tạo và dẫn dắt về tri thức đối với các nhà khoa học, sinh viên và doanh nghiệp. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị đại học sẽ tạo ra động lực cho đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay. Tác giả đã tiến hành tổng quan thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó nhận thấy rằng, mặc dù chuyển đổi số trong quản trị đại học ở Việt Nam đã được tăng cường và đẩy mạnh do các ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tuy nhiên, các trường đại học vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả các yếu tố chủ quan và khách quan, từ nền tảng công nghệ đến con người. Bên cạnh đó, hành động và chiến lược cụ thể cho tiến trình công nghệ hóa giáo dục đến nay nhìn chung vẫn còn chậm và việc chuyển đổi số ở trường đại học mới chỉ ở bước đầu. Nhìn nhận được những vấn đề còn vướng mắc, tác giả cũng đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị đại học và nhận định, sự quyết tâm của lãnh đạo thôi là chưa đủ, chuyển đổi số đòi hỏi mọi cá nhân, phòng ban bước ra khỏi “vùng an toàn” để sẵn sàng thay đổi thì quá trình chuyển đổi số mới thành công. Điều này ảnh hưởng tới việc sinh viên thay đổi cách tiếp cận nguồn kiến thức ở trường đại học cũng như kiến thức bên ngoài.

Theo nghiên cứu của Phạm Thị Mai Vui và cộng sự (2020) về đề tài “Học trực tuyến: các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người đọc”, nghiên cứu này cho thấy được các đánh giá của người học ở các khối ngành kỹ thuật - với trình độ và tần suất ứng dụng công nghệ cao hơn, năng lực sử dụng internet trong việc tìm kiếm thông tin… có thể ảnh hưởng nhất định đến mức độ tương tác giữa người học với giảng viên, nội dung và bài học. Thêm vào đó, nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các yếu tố tác động trực tiếp đến sự hài lòng của người học, bao gồm: quá trình tương tác, năng lực sử dụng internet và năng lực tự học. Ngoài ra, những yếu tố khác như cách thức quản lý, hoạt động hỗ trợ đào tạo, thái độ của giảng viên và người học đối với hình thức học trực tuyến cũng có thể có tác động đến sự hài lòng của người học.

2. ĐỀ XUẤT HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Qua phân tích ở trên, có thể thấy rằng, sự ảnh hưởng của chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang khẳng định được tầm quan trọng, điều đó càng được củng cố khi mà tình hình dịch bệnh Covid - 19 xảy ra đã khiến mọi người phải thay đổi cách thức giảng dạy và học tập. Chính nhờ những nền tảng E-learning đồ sộ mà các quốc gia nghiên cứu và thực hành lâu năm đã giúp cho các kho dữ liệu (Big Data) có một trữ lượng to lớn, liên tục tạo điều kiện cho các học viên, học sinh và sinh viên có thể tiếp cận nguồn dữ liệu và sử dụng. Rõ ràng đây là những nền tảng, nền móng của việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Dạy học theo dự án là một trong những phương pháp dạy học không quá mới, nhưng chưa được áp dụng nhiều trong thực tế giảng dạy. Các học phần này được đưa vào chương trình đào tạo tại một số trường đại học và hình thành chuỗi đồ án trong chương trình đào tạo. Mỗi chuyên ngành đào tạo sẽ hình thành các học phần dạy học theo dự án/đồ án khác nhau trong chuỗi đồ án của chương trình đào tạo. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động học tập các học phần dạy học theo dự án/đồ án của sinh viên nhưng một trong những yếu tố liên quan đến công nghệ chính là quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói riêng. Vì vậy, nhiều vấn đề nghiên cứu vẫn cần được giải quyết:

Thứ nhất, dù tiếp cận theo hướng nào thì các nghiên cứu đều cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, đa số các trường đại học của Việt Nam mới đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có sự chuyển đổi số đồng đều giữa các trường. Những nhân tố nào tác động đến quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói chung và tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Mặc dù Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Bộ chỉ số kèm theo Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 để đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học nhưng chưa có công bố chính thức số liệu đánh giá về chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.

Thứ hai, Dạy học theo dự án đã được Thế giới và Việt Nam ghi nhận mang lại nhiều lợi ích, đã được khuyến khích/yêu cầu đưa vào Chương trình đào tạo. Tuy nhiên cần đứng ở góc độ của người học để xem xét những lợi ích, khó khăn khi học tập những học phần này. Đồng thời cần so sánh và đo lường kết quả học tập của sinh viên giữa các học phần dạy học theo dự án và các học phần dạy học theo truyền thống. Những nhân tố nào tác động đến quá trình học tập các học phần này của sinh viên.

Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, có thể thấy những điểm hạn chế mà mà những nghiên cứu trên chưa chạm tới đó là ảnh hưởng của việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học tới hoạt động học tập của sinh viên như thế nào và đâu là nguyên nhân của các vấn đề đó, đặc biệt là đối với những học phần có thiết kế dạy học mới như các học phần dạy học theo dự án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vladimir Kryukow (2017) “ Đổi mới công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục tại trường đại học ”

2. Tác giả Pinchuk, Olga P. và cộng sự (2019) về “Chuyển đổi số của nền giáo dục: Khía cạnh hoạt động nhận thức của học sinh”

3.Nguyễn Cao Trí (2020). Chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục đại học: cách tiếp cận mới và kinh nghiệm từ trường Đại học Văn Lang.

4.Phạm Thị Mai Vui, Nghiêm Hồng Vân, Nguyễn Hoàng Dương, Phạm Ngọc Thạch (2021). Học trực tuyến: Các yếu tố tác động đến sự hài lòng của người học. Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQGHN.Xem tại : http://journal.ussh.vnu.edu.vn/index.php/vjossh/article/view/625/0

5.Phùng Thế Vinh. (2021). Chuyển đổi số trong quản trị đại học: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Xem tại: https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/136742

TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Bùi Thị Dung, Phan Thị Quỳnh Như, Ngô Thị Mai Hương, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Đình Cường

Đại học Vinh

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và học tập các học phần dạy học theo dự án tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận