Chuyển đổi số trong quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

19/04/2023, 14:16
báo nói -

TCDN - Bài viết này sẽ tập trung phân tích (i) Ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới; (ii) Đề xuất giải pháp cho Việt Nam trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước hiện nay.

13-1

TÓM TẮT: 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới đã đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị nhà nước như Bộ Lao động Romania đã sử dụng tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) để phân phối các khoản thanh toán trực tiếp cho những người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong số 285.000 xác nhận quyền sở hữu được xử lý, 96% được tự động hóa, với mỗi xác nhận quyền sở hữu mất 36 giây so với 20 phút khi được xử lý thủ công hoặc ở Singapore, các cơ quan công quyền đã sử dụng “postman.gov.sg”, một công cụ liên lạc dựa trên điện toán đám mây đa kênh, để gửi tin nhắn hàng loạt với các cập nhật quan trọng cho người dân. Tính đến tháng 11 năm 2020, công cụ này đã được sử dụng để chia sẻ hơn 1,3 triệu tin nhắn.Tại Việt Nam, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số trong quản trị nhà nước vẫn còn một số vấn đề cần phải được giải quyết như hạ tầng công nghệ, chính sách về chuyển đổi số (chính sách nguồn nhân lực, chính sách an toàn dữ liệu thông tin cá nhân, chính sách về định danh và xác thực điện tử...), quá trình thu thập xử lý dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước... Do vậy, việc nghiên cứu chuyển đổi số trong quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới sẽ là cần thiết để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm giải pháp từ các nước này trong quá trình thực hiện triển khai.Bài viết này sẽ tập trung phân tích (i) Ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới; (ii) Đề xuất giải pháp cho Việt Nam trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước hiện nay.

1. Ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới

1.1. Đan Mạch

Đan Mạch là quốc gia hàng đầu ở châu Âu về chuyển đổi số. Về sử dụng internet, hầu hết tất cả người Đan Mạch đều trực tuyến (95%) và đạt điểm cao nhất (100 điểm) về mức độ sẵn có của các dịch vụ công trực tuyến trong nước và xuyên biên giới cho 865 các doanh nghiệp, 88% công dân tương tác kỹ thuật số với các cơ quan công quyền ít nhất một lần. Đan Mạch đã thực hiện quá trình chuyển đổi như là quy định tài khoản bắt buộc của công dân đối với các khoản thanh toán từ chính quyền (NemKonto); giải pháp xác thực điện tử an toàn (NemID), mỗi người đều có một phương tiện nhận dạng cá nhân và xác thực trực tuyến an toàn; thiết lập một số cổng thông tin phổ biến như dữ liệu sức khỏe cá nhân (sundhed.dk), một điểm truy cập duy nhất vào tất cả các dịch vụ công (borger.dk) và cổng dịch vụ công dành riêng cho các doanh nghiệp (virk.dk). Các công cụ và tài liệu học tập kỹ thuật số dành cho mọi người được phổ biến rộng khắp; nhiều dữ liệu cơ bản của khu vực công là trực tuyến và truy cập miễn phí (Nguyễn Thị Hương, 2020).

Ngay từ rất sớm chính phủ Đan Mạch đã ban hành chiến lược như chiến lược chính phủ điện tử năm 2002, đặt ra tầm nhìn sử dụng một cách có hệ thống các công nghệ kỹ thuật số. Tiếp tục chiến lược này là giai đoạn 2007- 2010, bổ sung thêm nội dung tập trung vào cơ sở hạ tầng và thiết lập các tiêu chuẩn mới để phát triển dịch vụ của công dân và sự gắn kết trong khu vực công. Giai đoạn 2011- 2015 chiến lược tập trung vào việc tăng cường truyền thông kỹ thuật số và hợp tác giữa các cơ quan về kỹ thuật số của khu vực công, sử dụng chung dữ liệu cũng như thúc đẩy và phát triển các giải pháp. Năm 2018, chính phủ ban hành hai chiến lược, một là chiến lược cho sự tăng trưởng kỹ thuật số với 38 sáng kiến và chiến lược thứ hai là về an ninh mạng, tập trung cải thiện an ninh internet. Cơ cấu tổ chức hành chính và chính trị của Đan Mạch cũng đã có sự thay đổi để thích ứng với chính phủ kỹ thuật số. Ban hành Đạo luật về xử lý dữ liệu cá nhân và giao cho cơ quan bảo vệ dữ liệu kiểm soát. Về nguồn vốn vào tháng 2 năm 2018 chính phủ đã phân bổ gần 1 tỷ DKK để thực hiện các sáng kiến trong chiến lược.

Chiến lược chuyển đổi số của Đan Mạch tập trung vào việc tạo ra một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tập trung liên kết cơ quan chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương với các dịch vụ chung để thực hiện giải pháp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tái sử dụng dữ liệu, bảo mật dữ liệu, phúc lợi kỹ thuật số.

Các trường hợp thực hiện chuyển đổi số thành công:

ID kỹ thuật số: NemID là bắt buộc đối với tất cả mọi người và doanh nghiệp ở Đan Mạch. Gần 5.000.000 người có ID kỹ thuật số Đan Mạch, bao gồm ID người dùng, mật khẩu và thẻ chứa mã (mật khẩu dùng một lần). Khi người dùng đăng nhập, trước tiên nhập ID người dùng và mật khẩu, sau đó nhập mã từ thẻ mã của họ.

Tài khoản bắt buộc - NemKonto: Hầu hết các công dân và công ty Đan Mạch thỉnh thoảng nhận được các khoản thanh toán từ khu vực công. Các khoản thanh toán này có thể là hoàn thuế, trợ cấp con cái, lương hưu, khoản vay cho sinh viên, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ nhà ở hoặc trợ cấp xã hội. Tất cả các khoản thanh toán từ các tổ chức công sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản này. Bắt buộc phải có tài khoản NemKonto thông qua Đạo luật về Thanh toán Công (Đạo luật số 1203 ngày 27 tháng 12 năm 2003). Điều duy nhất mà cơ quan công quyền cần biết về việc trả tiền cho NemKonto là số CPR (số nhận dạng) của người đó.

Borger.dk (cổng thông tin công dân): đưa người dùng đến tất cả các dịch vụ mà khu vực công của Đan Mạch cung cấp. Vào năm 2018, cổng vào khu vực công Borger.dk đã có 39 triệu khách, 93% của tất cả các du khách hài lòng với dịch vụ.

Digital Post: Năm 2018, khu vực công đã gửi 141,3 triệu thư thông qua Digital Post, 91,1% dân số Đan Mạch sử dụng Digital Post, 84% người dùng hài lòng với dịch vụ Digital Post. Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một Đạo luật vào ngày 1 tháng 11 năm 2014, có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp và công dân trên 15 tuổi phải nhận Digital Post từ các cơ quan công quyền, khiến thư kỹ thuật số trở nên bắt buộc. Một số công dân đáp ứng các tiêu chí cụ thể được miễn nhận bưu điện kỹ thuật số. Ở Đan Mạch, công dân nhận được thư của họ, ví dụ qua borger.dk . Dịch vụ cốt lõi của Borger.dk là cung cấp dịch vụ nhận và lưu trữ thư miễn phí từ những người gửi liên kết. Người gửi trả phí bưu điện cho các lô hàng, thấp hơn chi phí in và gửi một tài liệu tương ứng qua đường bưu điện. Thư từ nhận được qua kênh này cũng ràng buộc như các hợp đồng và văn bản đã ký gửi trên giấy có đóng dấu (vì nó được ký bằng chữ ký điện tử ). Để truy cập Bưu điện kỹ thuật số, cần phải đăng nhập bằng NemID chữ ký số.

cBrain - giải pháp giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn: Cơ quan quản lý nhà nước Đan Mạch giải quyết hơn 200.000 trường hợp mỗi năm, bao gồm cả nhận con nuôi, ly hôn, quyền nuôi con và nhiều vấn đề phức tạp khác. Có thời điểm, số lượng hồ sơ được mở đã lên tới 30.000 hồ sơ. Phản hồi khảo sát của công dân cho thấy tốt hơn hết là nên tạo ra một dịch vụ kỹ thuật số mới. Dịch vụ mới cung cấp cho công dân các thư mục hồ sơ cá nhân, biểu mẫu được thiết kế lại, tự động hóa các quy trình hành chính, thiết kế lại các thông tin liên lạc đi và danh sách kiểm tra cá nhân về các nhiệm vụ cần hoàn thành. cBrain đã tạo bảng điều khiển hoạt động để cung cấp chế độ xem theo thời gian thực về tiến trình của trường hợp. Điều này đã giúp cơ quan quản lý nhà nước tối ưu hóa khối lượng công việc trên các trung tâm hành chính khu vực của họ.

FrontDesk (Dịch vụ công dân): giải quyết một loạt các nhiệm vụ như gia hạn hộ chiếu, thuế, an sinh xã hội.Người dân cũng sẽ được trải nghiệm những lợi ích - họ sẽ biết trước khi nào họ sẽ được phục vụ và họ sẽ nhận được tất cả các thông tin liên quan trước khi đến cuộc hẹn để họ không phải chờ đợi. Sử dụng công nghệ AI, Big data: sử dụng AI tại bệnh viện để theo dõi những bệnh nhân có nguy cơ cao để hỗ trợ nhân viên bệnh viện trong việc giảm tử vong, biến chứng sau phẫu thuật; sử dụng AI để chẩn đoán ung thư sớm bằng cách phân tích hình ảnh các tế bào. Chẩn đoán sớm sẽ giúp bác sĩ bắt đầu điều trị nhanh hơn và nâng cao cơ hội sống sót của bệnh nhân; sử dụng AI để ngăn ngừa đuối nước - công nghệ này sẽ giúp cảnh báo cơ quan chức năng khi ai đó rơi xuống nước và theo dõi vị trí của người đó; sử dụng AI để giảm gian lận thuế - cơ quan kinh doanh sử dụng nhằm mục đích đánh giá doanh nghiệp mới, kiểm soát tình trạng gian lận thuế. Sử dụng Big data xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận đối với quản trị dữ liệu trong khu vực công, bao gồm việc thay đổi khuôn khổ pháp lý và xây dựng quan hệ đối tác bên ngoài chính phủ để nắm bắt quan điểm và xác định các nguồn dữ liệu có giá trị. Do đó, các cơ quan công quyền ở Đan Mạch hiện đăng ký nhiều thông tin cốt lõi khác nhau về cá nhân, doanh nghiệp, bất động sản, tòa nhà, địa chỉ... Thông tin này, được gọi là dữ liệu cơ bản, được sử dụng lại trong toàn bộ khu vực công và là cơ sở quan trọng để các cơ quan công quyền thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn và hiệu quả.

1.2. Cộng hòa Pháp

Chương trình DCANT 2018-2020 (Chương trình phát triển Chính phủ điện tử từ cấp Trung ương đến địa phương tại Pháp). Tham vọng của Chương trình này là “cùng xây dựng dịch vụ số địa phương thông suốt và hiệu quả”. Người dân là đối tượng trung tâm phục vụ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chương trình DCANT có 4 trục ưu tiên gồm: 1- Nền tảng chia sẻ chung; 2- Quản trị hành chính công trên nền tảng chia sẻ; 3- Phương pháp tiếp cận dữ liệu tổng thể và chuyển dịch cấp độ số hóa; 4- Tất cả các địa phương đều phải tham gia vào Chương trình DCANT. Về số hóa hoạt động và dịch vụ công địa phương, Nhà nước cung cấp công cụ số và lưu chuyển dữ liệu theo các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, nguyên tắc chung; công cụ chung và dữ liệu cần lưu chuyển. Tóm lại giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trung ương với địa phương luôn luôn có sự trao đổi lẫn nhau. Trao đổi những thông tin về hộ tịch, hộ gia đình, thông tin về thành phần gia đình... đây là thông tin nền tảng thực hiện bất kỳ dịch vụ công trực tuyến ở Pháp. Chẳng hạn như France Connect là công cụ để kết nối với nhau, chia sẻ cùng sử dụng dữ liệu mà không cần cải tổ lại tất cả. Các địa phương sẽ phát triển một công cụ dữ liệu và chia sẻ với nhau mà không cần phải tìm một cung cụ dữ liệu mới (Chính phủ, 2021). Hay Tổng cục Tài chính công đã cung cấp cho các cơ quan công quyền và người dùng một mạng trực tuyến nâng cao, an toàn và dịch vụ thanh toán hiện đại có tên PayFiP. PayFiP cho phép thanh toán hóa đơn bằng tiền gửi ngân hàng do các cơ quan công quyền cấp. Hoặc nền tảng eProcurement (PLACE), cho phép các tổ chức khu vực công đăng đấu thầu trực tuyến và nhận đấu thầu điện tử từ các doanh nghiệp; nền tảng demarches-simplifiees.fr đã cho phép thực hiện một truy vấn trực tuyến trong thời gian kỷ lục và miễn phí. Là một nền tảng phi tài liệu hóa, demarche-simplifiee.fr cung cấp dịch vụ để số hóa các thủ tục hành chính và kết quả là giải phóng khỏi các hình thức giấy tờ.Trong hai năm, nền tảng này đã cho phép số hóa hơn 2.000 các thủ tục và việc nộp hơn 1 triệu hồ sơ. Nền tảng được sử dụng bởi hơn 450 cơ quan công quyền của Pháp.

Chính phủ Pháp đã công bố Chiến lược điện toán đám mây của mình (Cloud), nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng điện toán đám mây của chính quyền để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nhà nước. Chi tiết hơn, mục tiêu của Chiến lược là phát triển việc sử dụng đám mây của các cơ quan hành chính, tổ chức công và chính quyền địa phương trong vòng ba năm. Chính phủ có kế hoạch thiết lập một nền tảng đám mây chính phủ điện tử và bắt đầu với việc chuyển đổi các trung tâm dữ liệu của chính phủ thành các trung tâm đám mây. Đạo luật điện toán đám mây cũng được ban hành để điều chỉnh. Chính phủ cũng ban hành Chiến lược nghiên cứu quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu của Chiến lược là đưa Pháp trở thành một trong năm quốc gia có chuyên gia về AI hàng đầu trên thế giới. Dịch vụ Allo Covid của Pháp đã sử dụng trợ lý giọng nói dựa trên AI để hướng dẫn công dân có các triệu chứng coronavirus đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thích hợp.

1.4. Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc đã mua các nguồn tài nguyên máy tính hiệu suất cao để phát triển các thuật toán AI, cung cấp hỗ trợ tài chính để mua dữ liệu và dịch vụ xử lý, đồng thời sửa đổi khung pháp lý để cho phép các doanh nghiệp và cá nhân có quyền truy cập vào thông tin cá nhân ẩn danh. Xây dựng Chatbot dựa trên AI cho công dân. Công dân có thể yêu cầu nhận thông tin và thông báo cần thiết từ các cơ quan chính phủ thông qua ứng dụng nhắn tin hoặc người nói AI mà họ lựa chọn mà không cần phải truy cập cổng thông tin chính phủ (GOV.KR). Robot chăm sóc AI “Dasomi” nói chuyện với người cao tuổi khi họ không nói trong 30 phút và tự động gọi người giám hộ nếu người cao tuổi không di chuyển trong 5 giờ. AI có thể nhanh chóng tìm ra những bức ảnh bất hợp pháp được phát tán trực tuyến và xóa chúng (do Bộ Khoa học và CNTT-TT và Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cùng phát triển). Hometax: dịch vụ hành chính thuế điện tử: Hometax là một dịch vụ quản lý thuế công nghệ cao được sử dụng rộng rãi ở Hàn Quốc, cho phép người nộp thuế có thể thuận tiện giải quyết các công việc thuế của họ trực tuyến (www.hometax.go.kr) mà không cần phải đến một văn phòng thuế.

Cơ quan nhà nước Hàn Quốc cũng đã sử dụng Big Data để thực hiện phúc lợi xã hội cho người lớn tuổi. Bằng cách phân tích hồ sơ điều tra dân số của các công dân từ 65 tuổi trở lên kết hợp với các loại dữ liệu khác như mức thu nhập của họ, các chương trình phúc lợi hiện có và sự gần gũi của các dịch vụ giao thông công cộng đối với nơi cư trú của họ, cơ quan chính quyền đã phát triển một biểu đồ phân bố chính xác nơi ở của những người cao tuổi ở mỗi quận, thành phố trực thuộc trung ương và thu được thông tin đáng tin cậy về các dịch vụ phúc lợi cần thiết theo địa điểm và loại hình dịch vụ. Và bằng cách áp dụng những thông tin như vậy, cơ quan chính quyền đã có thể tinh chỉnh tính khả dụng của các chương trình hiện có và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi bằng cách xây dựng các cơ sở phúc lợi ở những địa điểm được cho là dễ tiếp cận nhất đối với họ.

Bộ Y tế và Phúc lợi đã khởi xướng mạng lưới quản lý tích hợp phúc lợi xã hội để phân tích 385 loại dữ liệu công cộng khác nhau từ 35 cơ quan, quản lý toàn diện các phúc lợi và dịch vụ do chính quyền trung ương cũng như chính quyền địa phương cung cấp cho những người nhận xứng đáng. Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản và Bộ Hành chính và An ninh, hoặc MOPAS, khởi động hệ thống phòng ngừa hội chứng tay chân miệng, khai thác Big Data liên quan đến dịch bệnh động vật ở nước ngoài, hồ sơ hải quan / nhập cư, chăn nuôi - điều tra nông nghiệp, di cư vật nuôi và công nhân trong ngành chăn nuôi.Ngoài ra với việc sử dụng Big Data, cơ quan nhà nước đã phân tích để gửi: (i) các tài liệu về đào tạo việc làm cho thanh niên được đăng ở những khu vực được thanh niên thường lui tới nhất, những người hầu hết có khả năng quan tâm đến các cơ hội việc làm; (ii) các tài liệu về cho vay không cần thế chấp, lãi suất thấp hiện được đăng tải ở các khu vực có nguồn thu nhập thấp; (iii) và các tài liệu thông tin liên quan đến sự an toàn của phụ nữ trở về nhà vào đêm khuya được đặt ở những khu vực tập trung đông phụ nữ làm việc độc thân. Do đó, thông qua việc sử dụng Big Data, cơ quan nhà nước đã phát triển các dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

2. Kiến nghị dành cho Việt Nam

Từ việc nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới, tác giả đề xuất như sau:

Một là, ban hành Chiến lược quốc gia về Big data, Chiến lược quốc gia về điện toán đám mây (Cloud) bằng việc tham khảo một số chiến lược của quốc gia như Cộng hòa Pháp, khảo sát đánh giá lợi ích của 02 công nghệ này trong việc thực hiện vào quản trị nhà nước ở Việt Nam. Bởi thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hiện nay chúng ta mới chỉ có Chiến lược quốc gia về AI và như vậy trong tương lai gần cần phải ban hành thêm chiến lược Big data hay điện toán đám mây.

Hai là, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ như hoàn thành mạng cáp quang băng thông rộng cực nhanh và các hoạt động hỗ trợ triển khai mạng 5G để phát triển các giải pháp mới cho hệ thống thông tin nhà nước, chẳng hạn như AI, blockchain, Internet of Things.

Ba là, ban hành khung pháp lý cho hoạt động của AI, Big data, Cloud cũng như tham khảo Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh Châu Âu để ban hành đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu, tăng thêm niềm tin của công dân trong việc thực hiện các dịch vụ công của cơ quan nhà nước. Bởi hiện nay trong khung pháp lý quy định bảo vệ dữ liệu được cụ thể hóa ở nhiều văn bản khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bưu chính...Và cũng có thể nói rằng, Việt Nam hiện nay chưa có một văn bản pháp luật thống nhất điều chỉnh bảo vệ quyền về dữ liệu cá nhân. Quyền này được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Nghị định số 52/2013/ND-CP về thương mại điện tử và Nghị định số 72/2013/ND-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng....

Bốn là, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với nhau, với khu vực tư nhân, tăng cường công tác tuyên truyền nhận thức của người dân về việc thực hiện chuyển đổi số, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các nước thành công trong chuyển đổi số để học hỏi kinh nghiệm như Đan Mạch, Estonia, Hàn Quốc...

Năm là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ số, rà soát chương trình đào tạo chú trọng đến kỹ năng thực hành và có chính sách bồi dưỡng chuyên gia công nghệ. Hiện nay chúng ta có quá ít các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao về AI, Big data, điện toán đám mây.

Như vậy, việc thực hiện chuyển đổi số trong quản trị nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với quốc gia để nhằm thích ứng với quá trình hội nhập phát triển bền vững hiện nay. Cho nên, việc nghiên cứu, đánh giá sẽ là cần thiết hiện nay để Việt Nam rút ngắn thời gian thực hiện thành công chuyển đổi số trong quản trị nhà nước nhằm thay đổi cách làm mới, quản lý và điều hành mới tốt hơn, hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2021), Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước: kinh nghiệm từ Pháp, http://egov.chinhphu.vn/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-nha-nuoc-kinh-nghiem-tu-phapa-NewsDetails-37694-14-186.html.

2. Nguyễn Văn Đáng (2021), Xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/xay-dung-nen-quan-tri-quoc-giatheo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html.

3. Trần Thị Hằng (2019), “Quản lý nhà nước trong nền kinh tế số”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6.

4. Nguyễn Thị Hương (2020), Chiến lược số của Đan Mạch và những gợi mở đối với Việt Nam, https://tcnn.vn/news/detail/48615/Chien-luoc-so-cua-Dan-Mach-va-nhunggoi-mo-doi-voi-Viet-Nam.html.

5. Bùi Ngọc Hiền (2021), Kinh nghiệm của một số quốc gia trong chuyển đổi số và hàm ý chính sách cho Việt Nam, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/04/20/kinh-nghiemcua-mot-so-quoc-gia-trong-chuyen-doi-so-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam/.

6. Văn Tất Thu (2021), Khái niệm, vai trò, đặc điểm của quản trị nhà nước, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/07/06/khai-niem-vai-tro-dac-diem-cua-quan-trinha-nuoc/.

7. Văn Tất Thu (2022), Nguyên tắc quản trị nhà nước trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, https://snv.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/- /asset_publisher/aRIn3er4plGA/content/nguyen-tac-quan-tri-nha-nuoc-trong-xaydung-nen-hanh-chinh-chuyen-nghiep-hien-ai-liem-chinh.

8. Nguyễn Đặng Phương Truyền (2021), Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (439), tháng 8/2021.

Th.S Phạm Thị Hồng Mỵ

Trường Đại học Sài Gòn

Tạp chí in số tháng 4/2023
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899