Có đến 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là gian lận
TCDN - Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị do Cục An toàn thực phẩm vừa tổ chức. Nhiều thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng được quảng cáo chữa các loại bệnh khác nhau từ: chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch... và cả bệnh ung thư.
Tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chính thức vào Việt Nam từ những năm 2000, thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm hỗ trợ chức năng, tạo cho cơ thể con người tình trạng thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật.
Việt Nam có lợi thế lớn phát triển TPCN trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu hoặc từ bài thuốc Đông y…, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ.
Sau 20 năm phát triển, thị trường TPCN Việt Nam phát triển rất nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm lên tới con số chục nghìn, trong đó trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Tỉ lệ người dân sử dụng TPCN tăng lên trên 60%.
Tuy nhiên, thời gian qua, trong sản xuất TPCN có hiện tượng sản xuất không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Thậm chí, có nhà sản xuất vì lợi nhuận mà cố tình cho thêm chất cấm, chất độc hại vào sản phẩm. Có đến 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là gian lận, VTV cho biết.
Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, nhiều sản phẩm đang được quảng cáo sai thông tin sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo như thần dược, có thể thay thế thuốc chữa bệnh, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, mất tiền của, mất thời gian.
"Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về TPCN. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo, thậm chí quảng cáo TPCN sai sự thật. Nhiều đơn vị lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo TPCN gây hiểu lầm cho người dùng. Điều này là vi phạm pháp luật, cần được xử lý", ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chia sẻ, tổng quy mô ngành TPCN Việt Nam năm 2021 là 12 tỷ USD. Thị trường TPCN còn rất nhiều tiềm năng do quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, trong chế biến thực phẩm, từ thực phẩm và chế biến truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn, từ việc lao động bên ngoài tới ngồi trên máy tính trong văn phòng, ít vận động.
Bên cạnh đó, các loại bệnh mạn tính không lây ngày càng phát triển, không gian sinh sống và sinh hoạt ngày càng đô thị hóa. Vì vậy, con người ngày càng chú ý tới các sản phẩm phi truyền thống từ TPCN tới các liệu pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực tế TPCN đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo TPCN, vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng TPCN làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cần phải được quan tâm và có hướng giải quyết hiệu quả.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình rằng, để giải quyết những vấn đề mà Thứ trưởng Bộ Y tế nêu, đồng thời để phát triển thị trường TPCN một cách bền vững, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.
Đồng thời, cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm TPCN lưu thông trên thị trường.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng, không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các "chợ Internet".
email: [email protected], hotline: 086 508 6899