Cổ phần hóa chậm vì doanh nghiệp "có tài chính phức tạp, nhiều đất đai"

24/03/2022, 10:11

TCDN - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương.

Theo báo cáo về vị trí vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được một số kết quả như các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ, tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn của DNNN.

Việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Tổng giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hoá bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán). Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức.

Theo các Nghị quyết của Quốc hội: số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp về ngân sách nhà nước là 250.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (thông qua Quỹ) là 234.387 tỷ đồng (đạt 93,6% kế hoạch), cụ thể: năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng; năm 2019 là 50.000 tỷ đồng và năm 2020 là 29.3878 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách nhà nước.

Ba là, quá trình cải cách và cổ phần hóa DNNN trên đã tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Một số lĩnh vực trước đây DNNN chủ yếu thực hiện thì nay đã được điều chỉnh, mở cửa cho khu vực ngoài nhà nước tham gia, góp phần tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường theo hướng có lợi cho người tiêu dùng như trong lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực hàng không... Về cơ bản, việc cổ phần hóa DNNN đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản lý; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại DNNN mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, tuy nhiên trong nội bộ từng DNNN thì việc cơ cấu lại mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp các doanh nghiệp thành viên theo hướng giảm số lượng mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao và chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn này, số lượng cổ phần hóa đạt 180 doanh nghiệp vượt chỉ tiêu đề ra (là 137 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, thực chất có 39 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa, theo kế hoạch (đã được rà soát và điều chỉnh) thì còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa. Về kế hoạch thoái vốn, kế hoạch dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng (đạt 11% tổng giá trị phải thoái).

Việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong thực tiễn cũng còn một số bất cập, xuất phát từ khâu thực thi quy định pháp luật. Việc xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa hoặc xác định giá trị phần vốn nhà nước khi thoái vốn chưa phản ánh đúng, đầy đủ giá trị của doanh nghiệp (đặc biệt là việc định giá quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển...).

Lý giải về sự chậm trễ trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị. Do vậy, việc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn không đạt kế hoạch.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa chậm vì doanh nghiệp "có tài chính phức tạp, nhiều đất đai" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ngày 24/3, Thủ tướng sẽ lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp nhà nước
Ngày mai (24/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước có chủ đề trọng tâm là "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội" sẽ được diễn ra.