Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020: Chỉ đạt 30% kế hoạch

24/11/2021, 16:00

TCDN - Trong giai đoạn 2016 - 2020, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% kế hoạch. Đây cũng là 2/5 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 chưa hoàn thành.

co-phan-hoa

Còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi ngành sinh lời cao

Chính phủ vừa có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020.

Báo cáo nêu rõ, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch).

Trong đó, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (Nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) là 98.748 tỷ đồng (tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán).

Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp; những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Tp.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 2 doanh nghiệp (01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg: Đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ nêu rõ, việc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Mặc dù đã có sự chỉ đạo, nỗ lực của tất cả các bên có liên quan nhưng mục tiêu cổ phần hóa vẫn tiếp tục bị đẩy lùi thời hạn. DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 5 mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 chưa hoàn thành thì có tới 2 nội dung thuộc cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần nhà nước sở hữu trên 50% vốn; Thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.

Bộ trưởng thừa nhận, nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan trong đó có vướng mắc về thể chế và trách nhiệm người đứng đầu.

Đánh giá rõ nguyên nhân

Nhận xét về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN giai đoạn 2016 - 2020, trong báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế yêu cầu cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân của việc chưa đạt mục tiêu, bởi đây là mục tiêu quan trọng liên quan cơ cấu lại DNNN.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DNNN tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công.

Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2021 cũng nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa DNNN còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN theo Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đa dạng hóa các phương thức sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, phá sản, chia tách,...), trong đó phương thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là một giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Chính phủ thực hiện hàng loạt giải pháp như duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thể, phá sản, thoái vốn và cổ phần hóa DNNN gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Rà soát, xác định số lượng và phạm vi ngành, lĩnh vực thiết yếu, quan trọng cần có DNNN để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm cơ cấu lại DNNN, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thể, phá sản, thoái vốn và cổ phần hóa DNNN; xác định rõ các doanh nghiệp mà nhà nước cần nắm giữ theo đúng tiêu chí phân loại DNNN.

Lựa chọn xác định thời điểm để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch hiệu quả, khả thi, theo lộ trình phù hợp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án được duyệt để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; thoái vốn danh mục đầu tư theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Linh Giang

Tạp chí in số tháng 11/2021
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020: Chỉ đạt 30% kế hoạch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan