Cổ phiếu DPM tăng liên tục bất chấp giá dầu tăng
TCDN - Giá dầu tăng sẽ có nguy cơ làm giảm lợi nhuận của Phân bón và Hóa chất Dầu khí, song giá cổ phiếu DPM của tập đoàn vẫn tăng liên tiếp trong 4 phiên gần nhất
Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu DPM tăng 4 phiên và chỉ giảm một phiên. Nếu tính trong một tuần gần nhất, giá cổ phiếu DPM tăng 9,4%. Lượng giao dịch cổ phiếu DPM tăng mạnh nhất vào ngày 18/2, với hơn 4 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Đà tăng liên tục của cổ phiếu DPM diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh trong nhiều ngày qua - yếu tố có thể làm giảm lợi nhuận của tập đoàn. Hôm 17/2, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh năm 2020 và dự báo năm 2021 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Báo cáo nhận định rằng trong năm 2021, doanh thu thuần của Phân bón và Hóa chất Dầu khí có thể đạt 8.110 tỷ đồng, tăng 4,5%, còn lợi nhuận sau thuế giảm 3,8% còn 666 tỷ đồng.
Doanh thu dự báo tăng trưởng so với 2020 nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục bên cạnh giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng lợi nhuận lại suy giảm do giá dầu tăng cao. Theo giả định của BVSC, giá dầu FO trung bình tăng 32% lên mức 320 USD/mmBTU khiến giá bán Urea và NPK hồi phục nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí tăng do giá dầu.
Dự báo dựa trên giả định nhu cầu hồi phục do giá bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ như lúa gạo, cao su có giá đều tăng khiến diện tích và sản lượng trồng các sản phẩm nông nghiệp tăng lên. Do đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón Urea và NPK trong nước dự báo tăng so với năm 2020.
Bên cạnh đó, nhu cầu Urea được dự báo tiếp tục tăng ở châu Âu và Mỹ khi hồi phục kinh tế sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Nhu cầu tăng trong khi nguồn cung đang tương đối hạn chế sẽ giúp giá Urea quốc tế dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2021.
BVSC dự báo sản lượng tiêu thụ Urea của Đạm Phú Mỹ tăng lên 820.000 tấn so với mức 807.000 tấn của năm 2019. Giá bán Urea cũng sẽ tăng 9,7% lên 7.000 VND/kg. Sản lượng tiêu thụ NPK dự kiến tăng 12,1% lên 130.000 tấn.
BVSC nhận định chi phí giá khí đầu vào vẫn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ trong những năm gần đây.
Báo cáo cho biết Đạm Phú Mỹ sẽ ưu tiên lấy khí từ nguồn khí Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi do có phí vận chuyển thấp nhất.
Trong trường hợp nguồn khí từ nguồn khí Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi không đủ thì lượng khí còn lại sẽ phân bổ từ các nguồn khí khác thuộc Bể Cửu Long và nguồn khí Nam Côn Sơn theo tỷ lệ 60% và 40% của lượng khí còn lại.
Kết quả tính toán trong năm 2019 cho thấy 40% nguồn khí là từ Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi, 36% từ nguồn khí khác thuộc bể Cửu Long và 24% từ Nam Côn Sơn.
Do trữ lượng của Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi không còn nhiều (mỏ Bạch Hổ đã khai thác được 30 năm, Rồng Đồi Mồi đã khai thác được 10 năm) nên doanh nghiệp đang phải chuyển dần sang các nguồn khí khác với chi phí vận chuyển cao hơn.
Như vậy, trong tương lai, giá khí vận chuyển của Đạm Phú Mỹ có thể tiếp tục xu hướng tăng.
Chi phí giá dầu trung bình FO cũng ước tính tiếp tục tăng mạnh so với năm 2020 khi nền kinh tế hồi phục sau COVID-19, nhu cầu đi lại và tiêu thụ năng lượng tăng cao.
BVSC dự báo giá dầu FO khoảng 320 USD/tấn (tăng 32%) với giá phí vận chuyển giả định giữ ở mức 1,9 USD khiến giá khí đầu vào tăng lên khoảng 5.86 USD/mmBTU (tăng 15%).
Song nhờ giá bán Urea và NPK cũng tăng giúp duy trì được biên lợi nhuận gộp khoảng 23% và biên lợi nhuận ròng 9% trong năm 2021.
Đề xuất thuế VAT 5% áp dụng lên các mặt hàng phân bón sẽ được trình trong kỳ họp quốc hội vào tháng 3/2021.
Nếu luật thuế VAT mới được thông qua sẽ giúp Đạm Phú Mỹ hoàn thuế VAT các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, theo ước tính thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 270-300 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo BVSC đánh giá kịch bản cơ sở để định giá Đạm Phú Mỹ thì thuế VAT sẽ chưa được thông qua.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899