Có sự khác nhau giữa quyết toán thuế giữa Giám đốc với Chuyên gia?

10/04/2024, 10:52
báo nói -

TCDN - Giải đáp vướng mắc về thời điểm kê khai quyết toán thuế với người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Hỏi: Công ty AA có trụ sở công ty tại VN, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp VN, do yêu cầu công việc Công ty AA có ký hợp đồng lao động với hai (02) người nước ngoài (Chuyên gia người Nhật) và (Giám đốc mới đại diện pháp luật thay cho Giám đốc cũ) ngày 12/07/2023 là ngày bắt đầu sang làm việc, thời gian làm việc tại Việt Nam là 2 năm từ ngày 12/07/2023-11/07/2025. Công ty AA xin hỏi Năm 2023 thì hai (02) người Nhật chỉ làm việc 173 ngày. Năm quyết toán thứ nhất từ 12/07/2023 đến 11/07/2024. Năm quyết toán thứ 2 là từ 01/01/2024 đến 31/12/2024.

1.Khi tính thuế trùng cho năm quyết toán thứ 2 sẽ là bao nhiêu tháng là 6 tháng hay 5 tháng (01/01/2024 đến 11/07/2024). Có quy định nào về làm tròn tháng tính trùng này không?

2. Đối với năm đầu tiên họ làm việc tại VN (2023) thì 2 người Nhật sẽ phải gửi quyết toán muộn nhất là vào 11/10/2024?

3. Có sự khác nhau giữa quyết toán giữa Giám đốc với Chuyên gia?

Trả lời:

- Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn như sau:

“Điều 6. Kỳ tính thuế

1. Đối với cá nhân cư trú

a) Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.

Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

…”

“Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế

...

e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:

e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.

e.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công trong trường hợp số ngày có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên là dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên.

- Năm tính thuế thứ nhất: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày tính đủ 12 tháng liên tục.

- Từ năm tính thuế thứ hai: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Số thuế còn phải nộp trong năm tính thuế thứ 2 được xác định như sau:

Số thuế còn phải nộp năm tính thuế thứ 2 = Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2 - Số thuế tính trùng được trừTrong đó:

Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2 = Thu nhập tính thuế của năm tính thuế thứ 2 × Thuế suất thuế thu nhập cá nhân theo Biểu lũy tiến từng phần  

Số thuế tính trùng được trừ = (Số thuế phải nộp trong năm tính thuế thứ nhất)/12 × Số tháng tính trùng           

Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc Hội quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

“Điều 44. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;”.

Theo đó, trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày 12/7/2023, là ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam (Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch) theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính. 

Về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế vắt qua 2 năm, cá nhân thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc Hội.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tính dựa trên tổng thu nhập hàng năm của người nộp thuế từ các nguồn khác nhau như lương, tiền lãi, tiền lương thụ động, tiền thưởng, và các khoản thu nhập khác.

Trường hợp Giám đốc và chuyên gia sang Việt Nam làm việc cùng thời điểm thì cách quyết toán giống nhau.

PV
Bạn đang đọc bài viết Có sự khác nhau giữa quyết toán thuế giữa Giám đốc với Chuyên gia? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận