Công ty xuất hóa đơn cho cá nhân có phần chênh lệch, đúng hay sai?

12/10/2024, 08:25
báo nói -

TCDN - Giải đáp vướng mắc về xuất hóa đơn cho cá nhân của công ty.

Hỏi: Năm 2019 Công ty A có mua của Chủ Đầu tư (công ty B) một (01) căn hộ thanh toán từng đợt và mỗi đợt thanh toán Chủ đầu tư xuất cho Cty A hóa đơn GTGT tương ứng số tiền thanh toán..

Đến năm 2022 Công ty A giải thể, trước khi giải thể Công ty A tiến hành bán căn hộ nêu trên cho cá nhân C, tới thời điểm này căn hộ trên vẫn chưa có Giấy CNSH do thủ tục pháp lý của dự án chưa hoàn thiện. Khi đó Chủ đầu tư B căn cứ hợp đồng chuyển nhượng của Cty A với Cá nhân C để làm biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh giảm toàn bộ giá trị đã xuất cho Cty A và xuất lại hóa đơn cho cá nhân C (chủ đầu tư giải thích là do pháp lý của dự án chưa hoàn thiện nên phải xuất hóa đơn cho chủ sở hữu mới là cá nhân C). Công ty A căn cứ hóa đơn điều chỉnh của Chủ đầu tư báo cáo vào quý 3/2022 giảm toàn bộ giá trị hàng mua và tiền thuế GTGT. Khi Bán căn hộ cho cá nhân C thì Công ty A chỉ xuất hóa đơn bán ra cho cá nhân C phần chênh lệch (tức là phần lãi của hợp đồng này) Ví dụ: Cty A mua của Chủ đầu tư 3 tỷ, bán cho cá nhân C 3.5 tỷ, phần chênh lệch là 0.5 tỷ (do 3 tỷ đã điều chỉnh giảm rồi nên chỉ xuất bán ra 0.5t ỷ).

1. Chủ đầu tư điều chỉnh giảm hóa đơn đã xuất cho Công ty A theo hợp đồng chuyển nhượng để xuất cho chủ sở hữu mới đúng hay sai?

2.Công ty A xuất hóa đơn cho cá nhân C phần chênh lệch như vậy đúng hay sai?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 4, NĐ 123/2020/NĐ-CP về nguyên tắc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; Theo đó, trường hợp đơn vị nêu, về nguyên tắc khi Cty A bán căn hộ cho C thì A phải lập hóa đơn trên toàn bộ giá bán hàng cho C và kê khai nộp thuế theo quy định pháp luật quản lý thuế, việc A lập hóa đơn trên phần chênh lệch giá bán với giá mua là không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ và nghị định 123/2020/NĐ-CP thì công ty A coi như không mua hàng là BĐS từ chủ đầu tư B, chủ đầu tư B có thể hủy hóa đơn đã bán cho công ty A, sau đó bán lại hàng hóa này cho ông C khác là đối tác mua hàng mới phù hợp với quy định hiện hành, thu hồi hóa đơn và hàng đã bán, xuất bán cho khách hàng mới.

Căn cứ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.

+ Tại khoản 1 Điều 5 hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT như sau:

“ Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.”

Trường hợp công ty A thu chênh lệch của ông C do bán BĐS trên thì có thể nhận tiền chuyển khoản qua Ngân hàng hoặc Tiền mặt có phiếu thu, phiếu chi và không cần xuất hóa đơn cho chênh lệch này do là khoản thu nhập từ hoạt động tài chính trước khi đóng cửa phù hợp với quy định hiện hành hơn do tài sản đã được trả cho chủ đầu tư ko còn hàng hóa để bán nữa nên không có căn cứ xuất hóa đơn trước khi đơn vị giải thể.

PV
Bạn đang đọc bài viết Công ty xuất hóa đơn cho cá nhân có phần chênh lệch, đúng hay sai? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899