Covid-19 bóp nghẹt ngành kinh doanh lưu trú như thế nào?

25/05/2021, 21:19

TCDN - Được kỳ vọng sẽ phục hồi phần nào sau khi dịch Covid-19 lắng xuống nhưng thực tế nhiều khách sạn tại Việt Nam đã bị giáng một đòn mạnh bất ngờ bởi Covid-19 lần thứ 4, dẫn đến tình trạng đóng cửa hoặc phải rao bán vì không gồng được lỗ.

Sự ảm đạm nghẹt thở bao phủ các điểm nóng du lịch

Năm 2020 là một năm đầy sóng gió với du lịch Việt Nam với sự xuất hiện của Covid-19. Sang năm 2021, sau đợt bùng phát dịch bệnh lần 3 hồi đầu năm, du lịch cả nước hy vọng sẽ phục hồi vào mùa hè - mùa cao điểm du lịch nhưng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã giáng một đòn khiến ngành du lịch tiếp tục kéo dài chuỗi ngày bế tắc.

Đà Nẵng – một trong những điểm đến luôn nằm trong top đầu về lượng du khách nhưng trong quý I/2021, lượng khách tại các cơ sở lưu trú ước đạt chỉ 610,600 lượt, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đợt lễ 30/4 - 01/05 vừa qua, tuy là mùa cao điểm nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, trong báo cáo chưa đầy đủ đã có khoảng 20% lượng khách hủy tour. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, lượt khách tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Đà Nẵng trong dịp lễ chỉ đạt 40.000 lượt khách, giảm 30% so với ước tính trước lễ.

Sự ảm đạm bao phủ các điểm nóng du lịch (Ảnh B.T)

Sự ảm đạm bao phủ các điểm nóng du lịch (Ảnh B.T)

Cùng với Đà Nẵng, Khánh Hòa cũng là một trong những điểm đến du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong quý I năm 2021, khách du lịch đến Khánh Hòa giảm 67,3%, trong đó khách quốc tế - đa phần du khách bị kẹt lại Việt Nam do dịch Covid-19 - giảm 97,6%, khách nội địa giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch Quý I năm 2021 giảm gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so 4 tháng đầu năm 2021 với cùng kỳ năm 2019 khi thời điểm du lịch đang ổn định có thể thấy bức trang du lịch Khánh Hòa có sự sụt giảm đáng kể, trong đó khách quốc tế giảm đến 99%, ngày khách lưu trú giảm 86%, doanh thu du lịch giảm 87,3%.

Kỳ nghỉ lễ vừa qua, Khánh Hòa dự kiến sẽ đón 70,000 lượt khách. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, dịch bệnh ập đến khiến nhiều đoàn khách hoãn, hủy chuyến vì lo ngại tình hình dịch.

Nhiều đơn vị cho biết, chỉ trong 2 tuần từ cuối tháng 4 đến gần giữa tháng 5, khách hủy tour tới 80%, còn các tour du lịch dịp hè cũng được thông báo dời lịch, dự báo một mùa hè đầy ảm đạm với du lịch Việt Nam.

Khách sạn “gục ngã” trước đòn Covid-19

Là loại hình kinh doanh gắn liền với du lịch nên khi du lịch suy yếu, khách sạn chính là những nạn nhân trực diện của Covid-19. Sau những tháng ngày gồng lỗ mệt mỏi, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa, rao bán hoặc hoạt động cầm chừng.

Nhiều khách sạn hay dự án sắp bàn giao tại Bãi Dài (Cam Ranh – Khánh Hòa) đang chờ đợi những tín hiệu lạc quan từ thị trường du lịch. (Ảnh B.T)

Nhiều khách sạn hay dự án sắp bàn giao tại Bãi Dài (Cam Ranh – Khánh Hòa) đang chờ đợi những tín hiệu lạc quan từ thị trường du lịch. (Ảnh B.T)

Tại Đà Nẵng, các khu vực trước đây vốn đông vui thì giờ đây lại vắng bóng khách du lịch. Nhiều chủ khách sạn tại những khu vực đắc địa như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn,...đã phải rao bán.

Trong khi đó, theo Sở Du lịch Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh có 1.113 cơ sở lưu trú du lịch với gần 50.000 phòng nhưng do lượng khách giảm sâu nên công suất phòng trong quý I.2021 trên địa bàn tỉnh rất thấp, chỉ đạt 8,6%. Vì chưa xác định được thời gian phục hồi nên nhiều các cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động một phần, gây thiệt hại nặng về kinh tế trên toàn tỉnh.

Tại Nha Trang, nhiều khách sạn lần lượt được rao bán với mức giá từ 10 đến hàng trăm tỷ đồng. Tùy theo nội thất, vị trí và phân khúc, các khách sạn sẽ được rao với mức giá khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh doanh khách sạn đi vào bế tắc, việc bán khách sạn với giá trị lớn vô cùng khó khăn.

Theo nhiều chủ khách sạn, ngay cả khi đã giảm giá sâu nhưng vẫn không có người hỏi mua. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa: "Các chủ cơ sở này cho biết họ tạm ngưng hoạt động để giảm chi phí, cắt lỗ và để chờ thị trường du lịch ấm dần lên mới hoạt động trở lại".

Nhận định về ngành khách sạn 2021, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC đánh giá, thị trường phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa tuy nhiên vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của Khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Hầu hết các khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng tình hình năm 2021 có khả năng phục hồi và chủ yếu tập trung vào quý III, quý IV năm 2021, khi các hạn chế đi lại có thể được nới lỏng và khách du lịch kết hợp hội nghị hội thảo (MICE) cũng như khách du lịch cá nhân từ các khu vực lân cận khôi phục hoạt động du lịch, điều này sẽ hỗ trợ cho quá trình hồi phục của thị trường Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng”.

Trước những tình hình này, những nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào ngành khách sạn cần kiên nhẫn để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh đang rất khó lường và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai gần.

PV
Bạn đang đọc bài viết Covid-19 bóp nghẹt ngành kinh doanh lưu trú như thế nào? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899