Cục Tài chính doanh nghiệp: Chủ động đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN
TCDN - Ngày 07/01, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022.
Hoàn thành 15 đề án, xử lý trên 13.400 văn bản
Năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Bộ các biện pháp chỉ đạo, điều hành tài chính ngân sách, chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đẩy nhanh triển khai các giải pháp tài chính phục vụ quá trình tái cơ cấu DNNN góp phần tích cực trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trên 13.400 văn bản gửi đến; trình Bộ xem xét, phê duyệt trên 1.180 văn bản thường và 145 văn bản mật; trực tiếp xử lý, ban hành trên 2.500 công văn và 74 văn bản mật về các Đề án, cơ chế, chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp, đôn đốc, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, xếp loại DNNN, quy định về cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN....
Trong năm 2021 Cục đã hoàn thành 15 đề án, trong đó: Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 04 đề án; Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính là 11 đề án.
Ngoài ra, Cục cũng đã hoàn thành 02/02 Đề án theo kế hoạch được giao bổ sung tại Quyết định số 2221/QĐ-BTC ngày 30/11/2021 của Bộ Tài chính.
Về giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2020, Cục cho biết, trong năm 2020: (i) có 97 doanh nghiệp được nhà nước đầu tư bổ sung vốn (gồm: 65 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành và 32 doanh nghiệp thuộc 18 địa phương), (ii) Tổng vốn đầu tư bổ sung là 16.625,9 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng số vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tăng 15.758 tỷ đồng; trong đó đầu tư bổ sung 16.625,9 tỷ đồng và giảm vốn đầu tư 867,9 tỷ đồng do Kiểm toán Nhà nước kê khai lại.
Liên quan đến việc phối hợp giám sát tài chính, xếp loại đối với các doanh nghiệp, Cục đã báo cáo Bộ ý kiến tham gia với cơ quan đại diện chủ sở hữu về lập kế hoạch giám sát tài chính và phối hợp thực hiện kế hoạch giám sát tài chính trong năm, Trong đó: Đối với giám sát trực tiếp tài chính doanh nghiệp, mặc dù phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19 nhưng Cục đã cử cán bộ tham gia đoàn giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng, Bộ KHCN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Đối với giám sát gián tiếp tài chính doanh nghiệp, với phạm vi doanh nghiệp thuộc 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, năm 2021, Cục trình Bộ ban hành 32 văn bản gửi các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty với nội dung đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị tài chính doanh nghiệp đồng thời có kiến nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát theo quy định pháp luật.
Về tham gia ý kiến đối với hoạt động xếp loại doanh nghiệp, Cục báo cáo Bộ ban hành trên 68 văn bản tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc xếp loại doanh nghiệp nhà nước.
Tham gia ý kiến, xử lý các vướng mắc, tồn tại tài chính
Đối với công tác xử lý tài chính của doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, trong năm 2021, Cục trình Bộ ký trên 88 công văn gửi Văn phòng Chính phủ, và 392 công văn gửi các cơ quan đại diện chủ sở hữu để tham gia ý kiến, xử lý các vướng mắc, tồn tại tài chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tái cơ cấu của các doanh nghiệp. Cụ thể như: Hướng dẫn, xử lý các vấn đề tài chính liên quan đến 12 dự án ngành Công Thương; Xử lý tài chính cho PVN khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án LHD Nghi Sơn; Xử lý tài chính khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; Tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu về các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước....
Trong công tác cổ phần hóa DNNN, năm 2021, Cục tổng hợp, báo cáo Bộ tiến độ thực hiện cổ phần hóa DNNN theo tháng, quý, năm. Qua tổng hợp cho thấy, công tác cổ phần hóa DNNN năm 2021 chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Trong năm chỉ có 03 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (là các công ty con thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam).
Cùng với đó, kết quả thoái vốn năm 2021 chưa đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước đã được phê duyệt tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết tháng 11/2021, đã thoái thành công 1.652 tỷ đồng với giá trị thu về gấp 2,64 lần (là 4.356 tỷ đồng).
Lũy kế 11 tháng năm 2021, có 03 doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC với tổng giá trị phần vốn nhà nước bàn giao là 218 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm Bộ giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tài doanh nghiệp, năm 2021 Cục đã hoàn thành cài đặt thành công hệ thống tại hạ tầng của Bộ Tài chính, triển khai công tác đào tạo trực tuyến hướng dẫn sử dụng hệ thống cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu (các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các sở tài chính 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các cơ quan này.
Dự kiến từ năm 2022 sẽ đưa hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào vận hành chính thức.
Kể từ ngày 01/4/2021, Cục thực hiện quản lý toàn bộ tờ trình, văn bản đi trên hệ thống eDocTC. Tính đến hết ngày 15/12/2021: 1.529 Tờ trình Bộ và 2.749 văn bản đã được phát hành, lưu trữ tập trung trên hệ thống eDocTC, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổng hợp, rà soát và tra cứu văn bản.
Xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, Cục cần tập trung nguồn lực để hoàn thành các đề án, trong đó nhiệm vụ trọng tâm nhất là sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Luật này sẽ định hình hoạt động của Cục trong tương lai và vai trò của Cục trong quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, Cục cần có cách nhìn, tiếp cận mới để nội dung của Luật phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch quá trình này, không xảy ra tình trạng mập mờ, lợi ích, xin cho… các quy định phải đi đến tận cùng của quy trình quản lý. Nghĩa là xây dựng chính sách phải đánh giá được quá trình triển khai trong thực tiễn, giám sát ra sao, tổng kết thế nào… không thể chỉ đưa ra chính sách, việc tổ chức thực hiện không rõ.
Để đảm bảo hoàn thành các đề án trong kế hoạch, cùng với sự sát sao của lãnh đạo, Cục phải tổ chức phân công cụ thể đến từng cán bộ, có mốc thời gian đối với từng bước của quy trình văn bản quy phạm pháp luật.
Thêm nữa, các nội dung công việc cụ thể như xếp loại doanh nghiệp, lãnh đạo Cục phải thống nhất quy trình xử lý để trình bộ, tránh tình trạng mỗi phòng một kiểu. Đặc biệt, Cục cần mạnh dạn xây dựng quy trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp công khai, có thể xin Bộ phân cấp để Cục xử lý.
Theo đó, Cục phải xây dựng quy trình theo hướng công khai, minh bạch. Bộ sẽ duyệt quy trình đó. Nếu làm được nội dung này, Cục nói riêng, Bộ nói chung sẽ giảm được nhiều quy trình, thủ tục.
Việc đánh giá, giám sát tài chính doanh nghiệp là nhiệm vụ thường kỳ, Cục có thể xây dựng quy trình mẫu, đến ngày đến tháng chủ động thực hiện.
Đối với vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chơ sở dữ liệu trong giám sát tài chính của Cục phải kết nối với các doanh nghiệp.
Khi xây dựng, Cục phải xác định được hệ thống này trích xuất được những dữ liệu gì, có vị trí ra sao trong trong tổng thể cơ sở dữ liệu của ngành Tài chính. Vấn đề này phải được thảo luận và thống nhất với Cục Tin học thống kê để giá trị của việc ứng dụng công nghệ thông tin của Cục được nâng lên, nếu chỉ là phần mềm nhỏ, riêng lẻ, lợi ích mang lại sẽ rất hạn chế.
Cuối cùng, các cán bộ công chức, viên chức trong Cục cần phát huy truyền thống của đơn vị, tích cực, chủ động và sáng tạo trong công tác quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp. Các cán bộ phải giành tâm trí và trí lực cho công việc, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, góp phần cùng ngành Tài chính nói chung hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899