Đại biểu Quốc hội: Cần kiểm soát việc chủ đầu tư lợi dụng huy động vốn
TCDN - Đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân để có biện pháp xử lý nhằm tránh việc lợi dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích.
Góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (19/6), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại dự thảo có nêu "nghiêm cấm sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở".
Tuy nhiên, dự thảo hiện không quy định cơ chế kiểm soát sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư, vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn huy động vốn dự án này để phát triển dự án khác hoặc xử lý các vấn đề nội tại của công ty mà không trực tiếp phát triển chính dự án mà người mua đã ký kết hợp đồng góp vốn trước đó. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ và các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đông người kéo dài của người dân.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị cơ quan soạn thảo "cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân như yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết và có báo cáo định kỳ cơ quan chức năng việc huy động và sử dụng vốn từng dự án đầu tư để cơ quan có chức năng biết, giám sát; có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu sai phạm nhằm tránh tối đa việc các chủ đầu tư lợi dụng, lạm dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích huy động".
Bên cạnh đó, quan tâm đến nội dung về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải nhà thuê còn khá lớn. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Hay tại Bình Dương, địa phương thuộc diện phát triển nhà ở xã hội tốt nhất cả nước nhưng số công nhân lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà ở trọ chiếm trên 60%. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng đều chật hẹp, nhiều nơi chưa đảm bảo tối thiểu về vệ sinh, điện, nước,... gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và năng suất lao động của người lao động.
Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú, công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.
Đại biểu đề nghị trong việc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội như hình thứ nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899