Đại biểu tranh luận thu thập thông tin mống mắt, ADN, giọng nói… trong Luật Căn cước

25/10/2023, 13:23
báo nói -

TCDN - Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Trong đó nhiều đại biểu tranh luận về thu thập thông tin liên quan tới cá nhân như mống mắt, nhóm máu, ADN, giọng nói… trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Căn cước quy định, thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm: Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này; Thông tin nhân dạng; Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu; Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở và các mức độ định danh điện tử. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật Căn cước. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn).

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn).

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tp.HCM) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai, và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông).

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông).

Cũng đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng bắt buộc có 7 thông tin chính như họ tên, năm sinh, quốc tịch, giới tính… cần thể hiện trên thẻ căn cước. Tuy nhiên, những trường hợp còn lại, theo đại biểu Hòa nên thể hiện là không bắt buộc, khuyến khích người dân cung cấp thêm ngoài những quy định bắt buộc để tích hợp vào thẻ căn cước.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Tp.HCM) đề nghị chỉ nên giới hạn thu thập thông tin sinh trắc học trong trường hợp tố tụng, hình sự, người bị áp dụng biên pháp xử lý hành chính. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 07 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Về quy định chuyển tiếp, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện. Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31/12/2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu tranh luận thu thập thông tin mống mắt, ADN, giọng nói… trong Luật Căn cước tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dự án Luật Căn cước: Bỏ vân tay, quê quán trên thẻ căn cước
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân.