Đường sắt Hà Nội bất ngờ lãi lớn sau 7 năm
TCDN - Theo BCTC quý 3, CPCT Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 54 tỷ đồng, cao nhất trong 7 năm qua.
CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với mức lãi cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, trong quý 3/2023, Đường sắt Hà Nội ghi nhận 637 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn doanh thu, qua đó lợi nhuận gộp tăng 40% lên gần 110 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 12% cùng kỳ lên 17%.
Các khoản chi phí đã được tiết giảm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) giảm 5% còn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng khoảng 37 tỷ đồng, giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng, giảm 3%.
Kết quả, Vận tải Đường sắt Hà Nội lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đường sắt Hà Nội đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ.
Nợ phải trả của HRT tính đến hết quý 3/2023 đang ở mức 815 tỷ đồng. Trong đó nợ thuế và các khoản nộp nhà nước lên tới gần 39 tỷ đồng, tăng 9 tỷ so với đầu năm. Ngoài ra, HRT cũng đang nợ ngắn hạng người lao động hơn 80 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội là thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Đây là một trong hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất thuộc VNR, bên cạnh Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT).
HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi Tp.HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.
Trước đó, trung kỳ tháng 8/2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, giai đoạn đến 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một. Như vậy, sau khi sáp nhập, 2 doanh nghiệp này sẽ bị "xoá sổ" không còn pháp nhân kinh doanh như cũ.
Việc hợp nhất này là tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo Văn bản số 303 ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.
Mở cửa phiên sáng 25/10, giá cổ phiếu HRT đang giao dịch ở mức 7.700 đồng/cp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899