Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hợp nhất đường sắt Hà Nội và Sài Gòn

09/04/2022, 09:54

TCDN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy thành 3 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy.

Chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 Ban Quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Chấm dứt hoạt động của 2 Ban Quản lý dự án đường sắt còn lại.

Công văn nêu rõ, hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty cổ phần vận tải đường sắt.

duong-sat-vn

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước; hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, vận chuyển hàng hoá đạt 5,6 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ, nhưng chỉ vận chuyển được 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, giảm sâu 63,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ. Doanh thu Tổng Công ty hợp nhất đạt 6.290 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch năm. Do thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu nên dù doanh thu chỉ đạt hơn 90% chỉ tiêu kế hoạch nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đảm bảo hoàn thành kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao là 101,3% tương đương âm 690,7 tỷ đồng (kế hoạch được giao là âm 700 tỷ).

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hợp nhất đường sắt Hà Nội và Sài Gòn tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

VNR lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, nguy cơ mất vốn nhà nước
Theo Bộ Tài chính, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có lợi nhuận năm 2020 là -1.327 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 và thời gian tiếp theo VNR sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, mất vốn nhà nước.