VNR lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, nguy cơ mất vốn nhà nước
TCDN - Theo Bộ Tài chính, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có lợi nhuận năm 2020 là -1.327 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 và thời gian tiếp theo VNR sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, mất vốn nhà nước.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của công ty mẹ: Tổng doanh thu 1.729 tỷ đồng (bằng 67% so với năm 2019), trong đó doanh thu dịch vụ điều hành giao thông vận tải là 1.531 tỷ đòng (chiếm 89% tổng doanh thu và bằng 70% so với năm 2019); tổng doanh thu sụt giảm chủ yếu do giảm doanh thu dịch vụ điều hành giao thông vận tải do tác động của dịch Covid-19.
Lợi nhuận -1.327 tỷ đồng, Công ty mẹ lỗ do doanh thu dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt không đủ bù đắp chi phí (khoảng gần 200 tỷ đồng) và ghi nhận chi phí tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp tiền thuê đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội theo thông báo của cơ quan thuế (435 tỷ đồng), trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn (465 tỷ đồng) và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (146 tỷ đồng).
Về đầu tư ra ngoài doanh nghiệp: Tại thời điểm 31/12/2020, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ là 1.495 tỷ đồng; cổ tức Công ty mẹ được chia năm 2020 là 30,65 tỷ đồng (tăng 5,8% so với năm 2019), tỷ suất cổ tức/tổng giá trị đầu tư là 2,05%. Số dư trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31/12/2020 trên báo cáo tài chính của Công ty mẹ là 477 tỷ đồng, tăng so với thời điểm ngày 31/12/2019 là 465 tỷ đồng, trong đó chủ yếu trích lập dự phòng khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (242 tỷ đồng), Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (198 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm (17,44 tỷ đồng), Công ty TNHH Khách sạn thương mại Hà Nội (13,38 tỷ đồng),…
Về tình hình nợ phải thu và phải trả, tại thời điểm 31/12/2020 tổng số nợ phải thu của Công ty mẹ là 732 tỷ đồng, chủ yếu phải thu của các công ty con, công ty liên kết, dự phòng nợ phải thu khó đòi là 155 tỷ đồng (tăng 145,59 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2019). Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,42 lần.
Về vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn, tại thời điểm ngày 31/12/2020 vốn góp của chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển là 3.142 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.885 tỷ đồng. Như vậy Công ty mẹ đã không bảo toàn được vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Đối với các công ty con, theo Bộ Tài chính, khối bảo trì đường sắt gồm 20 công ty cổ phần, do thực hiện nhiệm vụ công ích nên nhìn chung lợi nhuận các công ty này thấp. Tuy nhiên đều có lãi và chia cổ tức hàng năm, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn đều đảm bảo lớn hơn 1 nhưng một số công ty có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất cao như: Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú (8,08 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa (7,31 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (8,7 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (5,79 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh (5,21 lần),…
Khối vận tải đường sắt gồm 2 công ty cổ phần hoạt động không hiệu quả, khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác gặp nhiều khó khăn. Năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh thu của 2 Công ty sụt giảm nghiêm trọng, lỗ 413 tỷ đồng, năm 2021 và dự kiến thời gian tới vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Khối sản xuất công nghiệp cơ khí đường sắt gồm 3 công ty cổ phần, doanh thu năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019. Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An lãi 2,28 tỷ đồng (bằng 22% so với năm 2019) và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm lỗ 10,88 tỷ đồng.
"Dự kiến năm 2021 và thời gian tiếp theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, mất vốn nhà nước", Bộ Tài chính đánh giá.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi các khoản cho vay, các khoản nợ và cổ tức được chia để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước tại Tổng công ty; chỉ đạo người đại diện tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong việc biểu quyết khi phân phối lợi nhuận sau thuế, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn chủ sở hữu tại công ty.
Chỉ đạo người đại diện vốn của Tổng công ty tại các công ty con bảo trì đường sắt có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn: Phân tích, làm rõ nguyên nhân và tiếp tục có biện pháp cơ cấu lại các nguồn vốn huy động để giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đảm bảo không vượt quá 3 lần, giảm rủi ro về mặt tài chính.
Cùng với đó, phân tích, đánh giá các nguyên nhân chủ quan thuộc nội dung quản trị của doanh nghiệp để có các giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định việc làm, tiền lương cho người lao động tại Công ty mẹ và các công ty vận tải đường sắt.
Thực hiện kiểm tra quyết toán sản phẩm công ích đường sắt; thu nộp phí sử dụng và tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, xử lý vật tư thu hồi đường sắt theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tai doanh nghiệp tăng cường công tác giám sát doanh nghiệp đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chịu trách nhiệm về các nội dung giám sát được phân cấp theo quy định hiện hành.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899