Dành 400.000 tỷ đồng phát triển đường cao tốc 5 năm tới

31/07/2020, 13:18

TCDN - Trong 5 năm tới, Bộ Giao thông vận tải ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu như cao tốc từ Cần Thơ - Mũi Cà Mau, kết nối cao tốc lên Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị, cao tốc kết nối lên Móng Cái, cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu-Sơn La.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, tổng kế hoạch thực hiện đầu tư công năm 2020 của Bộ này khoảng 39.762 tỷ đồng, gồm 35.977 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.785 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản giao chi tiết toàn bộ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến 30/6/2020, Bộ đã giải ngân đạt 33,7% kế hoạch giải ngân cả năm (bình quân chung cả nước 28,9%). Dự kiến tới hết tháng 7/2020, Bộ GTVT sẽ giải ngân 41,7% kế hoạch giải ngân cả năm, trong đó vốn trong nước giải ngân đạt 48,5%; vốn nước ngoài giải ngân đạt 34,3%.

“Mắc” ở khâu dự báo và lập kế hoạch

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, khó khăn, vướng mắc lớn nhất chính vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, vốn được bố trí cho Bộ Giao thông vận tải, nhưng công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các địa phương, Bộ chỉ có thể hỗ trợ, phối hợp.

Trong năm 2020, Bộ Giao thông vận tải có khoảng 6.924 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng đến nay mới chỉ chi trả được khoảng 2.773 tỷ đồng và tiến độ chậm nhiều so với kế hoạch.

Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và cơ cấu tổng mức đầu tư một số dự án ODA cũng đang là vướng mắc, bởi một số dự án cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã trình nhưng chưa được phê duyệt.

Bộ GTVT sẽ ưu tiên vốn phát triển mạng lưới cao tốc 5 năm tới.

Bộ GTVT sẽ ưu tiên vốn phát triển mạng lưới cao tốc 5 năm tới.

Tương tự, về thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn với một số dự án đang triển khai thực hiện có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề xuất, trong quá trình xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án, Chính phủ cần tính đến “độ trễ” của chính sách khi áp dụng đúng trình tự, thủ tục từ các Luật hiện hành như Luật xây dựng, Luật Đầu tư công và sắp tới là Luật PPP.

“Nếu như khâu thi công có thể làm tăng ca, làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thì giải quyết thủ tục không thể làm tắt như vậy”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng với các dự án xây dựng sau này dứt khoát phải có mặt bằng sạch xong mới tiến hành xây lắp.

Ngoài ra, một vấn đề mang tính đặc thù ngành là tiến độ thi công phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch thi công cần phải tính thêm yếu tố này, tránh việc mùa khô thuận lợi cho thi công thì ta lại đang xử lý thủ tục giấy tờ, và ngược lại, đến mùa mưa khi có vốn lại không thể thi công trên hiện trường.

“Chẳng hạn, hiện để kịp tiến độ thi công, giải ngân cho đoạn Cam Lộ - La Sơn theo hình thức đầu tư công, Bộ GTVT đang yêu cầu Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh thi công liên tục cả ngày và đến 22h hàng ngày, nhưng thời gian từ nay đến mùa mưa không còn nhiều”, ông Thọ lấy ví dụ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch, bởi Bộ Giao thông vận tỉa vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

"Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó, thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít", Bộ trưởng Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ với nguồn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng.

Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu như cao tốc từ Cần Thơ tới Mũi Cà Mau, kết nối cao tốc lên Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị, cao tốc kết nối lên Móng Cái, cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu-Sơn La…

“Để tránh việc kéo dài thời gian chờ đợi, chuẩn bị như hiện nay, Bộ GTVT đã giao các ban quản lý dự án lập báo cáo tiền khả thi cho tất cả các dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Để tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án.

Đồng thời, các bộ ngành liên quan sớm đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư đối với một số dự án ODA; cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn.

Bộ GTVT cũng mong muốn các bộ ngành sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT; tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục điều hòa, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách... để đảm bảo có thể giải ngân hết nguồn vốn được Chính phủ giao.

Chấm dứt việc xin vốn rồi... để đó

Phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cả nước trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thực trạng là khi làm việc với các bộ ngành, nhiều địa phương đều đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, vẫn còn một lượng vốn rất lớn chưa được giải ngân.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này là "do quan liêu, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung", bởi cùng một cơ chế chính sách có địa phương lại giải ngân rất tốt nhưng có nơi lại rất "ì ạch".

Theo Thủ tướng, cần quyết liệt tìm giải pháp để "trị" nguyên nhân khiến giải ngân kém cỏi, bởi đầu tư công chính là "cứu cánh" quan trọng, vì từ công trình mới giải quyết được tiền lương, vật liệu và việc làm cho hàng triệu người.

Thanh Hà (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Dành 400.000 tỷ đồng phát triển đường cao tốc 5 năm tới tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Năm 2020, đã giải ngân gần 2000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Năm 2020, đã giải ngân 1946 tỷ/5103,537 tỷ đạt 38,1% để thực hiện công tác Giải phóng mặt bằng (GPMB) -  Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông. Hiện đã chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng 530,8 km/653,61km (đạt 81,21%).