Đâu là những giải pháp căn cơ tháo gỡ cho thị trường bất động sản?

26/02/2023, 18:31
báo nói -

TCDN - Giải pháp căn cơ và quan trọng nhất hiện nay để tháo gỡ cho thị trường bất động sản chính là phải hoàn thiện thể chế và xóa bỏ những điểm nghẽn về pháp lý.

Chỉ hoàn thiện thể chế thì bất động sản mới “sống”

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững đã nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho ngành bất động sản. Trong đó, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn cho nguồn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu là những giải pháp vô cùng căn cơ lúc này.

"Hoàn thiện thể chế” là giải pháp đầu tiên được nhắc đến bởi tính quan trọng bậc nhất của nó. Đây được xem là giải pháp “sống còn” với ngành bất động sản hiện nay. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán… trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tháo gõ những tồn tại, hạn chế.

Hoàn thiện thể chế sẽ là yếu tố giúp thị trường bất động sản hồi phục.

Hoàn thiện thể chế sẽ là yếu tố giúp thị trường bất động sản hồi phục.

Các tổ công tác, nghiên cứu cũng sẽ hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án bất động sản; phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành “Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị” để các địa phương thực hiện thuận lợi và thống nhất.

Đồng thời, dự thảo cũng yêu cầu các địa phương cần ban hành ngay giải pháp tháo gỡ đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định; các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

"Yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu xây dựng báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...", dự thảo nêu rõ.

Dự thảo cũng sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thi điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.

Dự thảo nói trên được ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “bất động” và hàng ngàn dự án đang “dậm chân tại chỗ”. Các chuyên gia cũng cho rằng, pháp lý chính là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản của Việt Nam phải “chật vật” trong nhiều năm qua.

Chuyên gia nói gì?

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, những nút thắt về pháp lý làm cho thị trường bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế và nhanh chóng để thu hút nguồn lực, đặc biệt là dòng vốn FDI vào tất cả phân khúc bất động sản như bán lẻ, văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở…

Nút thắt pháp lý đã được nhắc đi nhắc lại suốt hàng chục năm qua.

Nút thắt pháp lý đã được nhắc đi nhắc lại suốt hàng chục năm qua.

Ông Khương chia sẻ, gần đây, UBND Tp.HCM cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các Sở ngành để tìm ra những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật PCCC… Thế nhưng, vấn đề lớn cần giải quyết dứt điểm là hành lang pháp lý chồng chéo lẫn nhau giữa các luật.

"Nếu vấn đề này không thể được giải quyết bằng luật hiện hành, chúng ta phải trình Quốc hội thông qua các luật mới. Tuy nhiên, việc này sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông Khương nói.

Ông Khương cho rằng, hiện nay, gỡ nút thắt pháp lý để khơi thông dòng vốn cũng là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách. Với góc độ quản lý Nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng.

Nhìn ở góc độ chuyên gia về đầu tư, ông Khương cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, đối với những doanh nghiệp này thì thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. Trong khi đó, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý lại vô cùng mất thời gian.

“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Việc này dẫn tới giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này cũng làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại tại các thành phố lớn luôn rất cao. Các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Singapore… đều đang phải đối mặt với vấn đề này và chúng ta không phải là ngoại lệ”, ông Khương chia sẻ.

Theo ông Khương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý mới chính là gốc rễ của vấn đề này, khó khăn về pháp lý làm mất đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đại Việt
Bạn đang đọc bài viết Đâu là những giải pháp căn cơ tháo gỡ cho thị trường bất động sản? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Top 6 ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản của toàn ngành ngân hàng đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.