Vai trò của bất động sản với nền kinh tế được coi trọng hơn sau cơn “nguy biến”

26/02/2023, 10:34
báo nói -

TCDN - Tại Tọa đàm Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam vừa diễn ra tại Tp.HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò của ngành bất động sản đang được coi trọng hơn trong nền kinh tế.

Hàng loạt phương án tháo gỡ

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, chưa bao giờ cụm từ “hỗ trợ”, “giải cứu” bất động sản được dùng nhiều như hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra 8 vấn đề nổi cộm của thị trường bất động sản để tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn.

Tọa đàm Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam diễn ra tại Tp.HCM. Ảnh: Đại Việt.

Tọa đàm Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam diễn ra tại Tp.HCM. Ảnh: Đại Việt.

Theo ông Lực, mọi người cũng nên phấn khởi vì thị trường bất động sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp nhìn nhận tích cực, rõ ràng hơn. Mọi người đã nhận ra vai trò quan trọng của bất động sản và sự tác động của nó đến nền kinh tế.

Hiện nay, có nhiều phương án tháo gỡ đang được cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan thực hiện. Thứ nhất là giúp doanh nghiệp từ thực tiễn bằng cách gặp mặt các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn để lắng nghe ý kiến. Thứ hai là rút kinh nghiệm từ quốc tế, tham khảo kỹ lưỡng với phương châm những điều hay thì học hỏi và những điều dở thì bỏ qua. Thứ ba là nghe tiếng nói đa chiều từ những người ủng hộ và không ủng hộ.

Cũng theo ông Lực, vấn đề tiếp theo là tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như gia tăng niềm tin cho người dân, nhà đầu tư. Song song đó là tháo gỡ khó khăn về vốn, trong đó có khoảng 230.000 tỷ đồng tiền trái phiếu bất động sản đến kỳ tất toán. Những ngày qua, Tập đoàn Novaland cũng đang vất vả thương lượng, gửi tâm thư để giải quyết phần trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

“Mới đây, khi gặp khó khăn thì hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đề xuất tăng “room” tín dụng. Vậy thì tăng như thế nào và tăng cái gì? Tôi thấy doanh nghiệp đề xuất như thế là chưa trúng. Làm như vậy, các ngành nghề khác sẽ nghĩ gì?. Điều quan trọng là doanh nghiệp được phép giãn, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ. Việc này cũng chỉ dành cho một số doanh nghiệp nằm trong phân khúc và nhóm nợ đặc biệt, không thực hiện đại trà”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, trong kinh doanh bất động sản thì yếu tố lãi suất có quyết định rất lớn. Thế nhưng, thời gian qua, lãi suất của Việt Nam đã tăng mạnh, điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Điển hình như lạm phát thông thường cao; rủi ro nền kinh tế, rủi ro doanh nghiệp và rủi ro trong các giao dịch cao; chi phí giao dịch của toàn bộ nền kinh tế là rất cao (kể cả chi phí chính thức lẫn không chính thức); lãi suất đầu vào cao khiến lãi suất đầu ra cao.

Ngoài ra, lãi suất tại Việt Nam cũng tăng mạnh do lãi suất của Mỹ tăng nhanh, tiếp theo là những vụ vi phạm pháp luật của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản cũng khiến lãi suất biến động. Tuy nhiên, ông Lực nhận định, lãi suất có thể giảm một phần trong thời gian tới và thị trường bất động sản có thể hồi phục kể từ cuối quý 3/2023.

Nỗ lực sẽ có thành quả

Đồng ý với ông Lực, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, quý 3/2023 sẽ là thời điểm thị trường bất động sản sáng sủa hơn nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo ông Thiên, hiện nay, thị trường bất động sản đang mất cân đối dẫn tới cung – cầu không gặp nhau. Do đó, cần tái cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế để nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phát triển tích cực hơn kể từ quý 3/2023.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phát triển tích cực hơn kể từ quý 3/2023.

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, năm 2023 sẽ có nhiều tín hiệu rất lạc quan cho cả nền kinh tế và ngành bất động sản. Điển hình như giải ngân đầu tư công sẽ tốt hơn năm trước, dự kiến con số giải ngân sẽ lên tới hơn 710.000 tỷ đồng.

Các công trình lớn như đường xuyên biển, các trung tâm logistics lớn mà Chính phủ và các địa phương tập trung triển khai, xây dựng sẽ hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế. Đằng sau sự tích cực của dải ngân đầu tư công chính là việc một số địa phương sẽ có cơ chế đặc thù.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cam kết đầu tư nước ngoài trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD. Bên cạnh đó, du lịch đang dần phục hồi cũng là những thông tin tích cực cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang làm việc rất tích cực để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp, người dân. Cơ chế chính sách là yếu tố gây ra nhiều khó khăn nhất cho thị trường bất động sản.

Kể từ 2019, thị trường bất động sản đã bắt đầu đi xuống dần và đến thời điểm hiện tại thì dừng lại do tắc nghẽn chính sách khiến hàng ngàn dự án “không thể chạy được”.

Cũng theo ông Đính, trong thời gian tới Bộ Xây sẽ đề xuất những “siêu nghị định”, tức là 1 nghị định sẽ tháo gỡ cho 8, 9 nghị định khác. Khi có những nghị định phù hợp, nó sẽ giải quyết được các vấn đề ngắn hạn. Ông tin rằng, trong quý 1/2022 sẽ bắt đầu có những thay đổi tích cực.

Ông Đính dự báo, nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ được ưu tiên tháo gỡ, xử lý trước. Ở khía cạnh doanh nghiệp, các đơn vị cũng phải tự cơ cấu, chuyển qua các phân khúc dễ hấp thụ hơn, dòng tiền tốt hơn. Tất cả đều phải cân chỉnh. Dự kiến cuối quý 2/2022 sẽ có những điểm sáng tích cực hơn cho thị trường bất động sản.

Đại Việt
Bạn đang đọc bài viết Vai trò của bất động sản với nền kinh tế được coi trọng hơn sau cơn “nguy biến” tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Top 6 ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản của toàn ngành ngân hàng đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.