Đề nghị "nghiên cứu kỹ" khi áp thuế nước giải khát có đường
TCDN - Tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội đề nghị cần thêm những nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học hơn về nội dung này.
Thảo luận tại tổ về nội dung này mới đây, dưới góc độ y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, một số mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, do vậy cần đánh giá của cơ quan chuyên môn về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đại biểu, trong Tờ trình và báo cáo của Chính phủ thiếu vắng bằng chứng khoa học, ý kiến của các lĩnh vực chuyên ngành đặc biệt là y tế liên quan đến đánh thuế tiêu thụ đối với nước giải khát có đường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 10 năm qua, tỷ lệ người dân sử dụng đồ uống có đường gia tăng nhanh chóng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. WHO cũng phát đi cảnh báo tại các thành phố lớn ở Việt Nam về tình trạng sử dụng đồ uống có đường (4 thanh niên trong độ tuổi từ 15-19 có hơn 1 người bị thừa cân, béo phì). Do vậy, theo đại biểu cần đưa ra bằng chứng khoa học khi cân nhắc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu rõ, Việt Nam cũng cần có nghiên cứu khoa học để đánh giá việc sử dụng đồ uống có đường. Theo khuyến cáo trong tháp dinh dưỡng của WHO, lượng đường khuyến cáo người trưởng thành dưới 25g/ngày; trẻ em từ 3-11 tuổi, lượng đường dung nạp dưới 15g/ngày.
“Cần đánh giá khoa học loại đường gì dung nạp an toàn vào cơ thể, đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, với một chai nước tăng lực có 330ml có 64,7 gam đường. Nếu chúng ta uống một chai nước tăng lực này, lượng đường gấp đôi lượng đường dung nạp mỗi ngày. Do vậy, cần có bằng chứng khoa học trong việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
Cũng theo đại biểu, trong báo cáo của Chính phủ nêu việc tiêu thụ nước giải khát có đường sẽ gây ra bệnh thừa cân, béo phì, nhưng kết quả nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới (Philipines, Thái Lan, Phần Lan) cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng sau khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Do vậy, nếu so sánh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường với bệnh thừa cân, béo phì là chưa phù hợp, mà cần đánh giá theo hướng sử dụng nước giải khát có đường có liên quan đến một số bệnh khác như tim mạch, huyết áp, gan nhiễm mỡ; khi sử dụng nước uống có đường góp phần đánh lừa hệ thống kiểm soát của cơ thể, làm tăng sự thèm ăn đối với người sử dụng nước giải khát có đường.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) cho rằng, việc áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10% được dự báo sẽ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, quy định này cũng có khả năng làm dịch chuyển xu hướng tiêu dùng của người dân sang gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn đưa ra những căn cứ, cơ sở khoa học để chứng minh rằng một trong những nguyên nhân gây béo phì, tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp… là do sử dụng nhiều nước giải khát có hàm lượng đường cao; và việc giảm tỷ lệ sử dụng nước giải khát có hàm lượng đường cao sẽ góp phần cải thiện tình trạng béo phì, các bệnh có liên quan.
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) băn khoăn khi chính sách mới chỉ áp dụng vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn, trong khi các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh... rất khó bị đánh thuế do không thể xác định chính xác hàm lượng đường… Điều này sẽ dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đồ uống trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần Việt.
Trong khi đó, với công nghệ hiện đại và có tiềm năng về tài chính, các tập đoàn nước ngoài có lợi thế về kinh nghiệm và công nghệ trong việc chuyển đổi sang sản xuất đồ uống không đường nhưng vẫn giữ được độ ngọt, trong khi các doanh nghiệp nội địa có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi chính sách này được triển khai.
Do đó, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động, các biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đảm bảo tính khả thi và công bằng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899