Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có chống được béo phì?

23/07/2024, 15:51
báo nói -

TCDN - Một số nước trên thế giới áp dụng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, nước giải khát tuy nhiên hiệu quả trong việc chống thừa cân, béo phì còn nhiều tranh cãi.

Áp thuế nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho biết, một số quốc gia sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường, mức tiêu thụ đồ uống giảm như tỉ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng.

Ấn Độ bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017. Tỉ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng. Cụ thể, tỉ lệ thừa cân béo phì ở nữ giới là 20,6% vào năm 2015 - 2016 đã tăng lên 24% vào năm 2019 - 2021; tỉ lệ thừa cân béo phì ở nam giới là 18,9% vào 2015 - 2016 tăng lên 22,9% trong giai đoạn 2019 - 2021; tỉ lệ trẻ em thừa cân là 2,1% vào năm 2015 - 2016 tăng lên 3,4% vào năm 2019 - 2021.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chi-lê áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2014. Vào năm 2015 mặc dù lượng tiêu thụ nước giải khát chịu thuế giảm 22% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có đường không giảm. Trong khi đó tỉ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng liên tục các năm sau đó. Cụ thể tỉ lệ thừa cân béo phì ở nam giới tăng liên tục từ 19,2% vào năm 2014 lên 30,3% năm 2017; tỉ lệ thừa cân béo phì ở nữ giới tăng từ 30,7% vào năm 2014 lên 38,4% vào năm 2017.

Mexico bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2012. Trong hai năm đầu mức độ tiêu thụ đồ uống có đường có giảm, tuy nhiên tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng. Theo đó, tỉ lệ béo phì ở nam giới là 26,8% vào năm 2012 đã tăng lên 31,8% năm 2021; tỉ lệ béo phì ở nữ giới là 37,5% năm vào năm 2012 đã tăng lên 41,1% năm 2021.

Philippines áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2018. Tỉ lệ thừa cân béo phì năm 2015 là 31,1% đã tăng lên 37,2% vào năm 2019 và 38,6% trong giai đoạn 2021 - 2022.

Phần Lan áp thuế TTĐB từ năm 1940. Trong giai đoạn 2012 - 2013, mức tiêu thụ nước giải khát đã giảm 3,8%. Đối với nước trái cây bị đánh thuế, lượng tiêu thụ đã giảm từ 15% đến 35% trong giai đoạn 2011-2012 . Tuy vậy, tỉ lệ béo phì vẫn tiếp tục gia tăng. Tỉ lệ béo phì ở nam giới vào năm 2014 là 18,9% đã tăng lên 21,8% vào năm 2017.

Thái Lan áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017. Hai năm sau áp thuế (2018 – 2019) mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày đã giảm từ 474,0 triệu lít trong năm 2018 xuống còn 453,8 triệu lít vào năm 2019, tương đương mức giảm 2,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì ở Thái Lan vẫn tăng từ 28,7% năm 2014 lên 33,2% vào năm 2019.

Một số quốc gia bỏ áp dụng thuế TTĐB

Cũng theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, một số quốc gia bỏ áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường do không hiệu quả.

Cụ thể, Đan Mạch Loại bỏ hoàn toàn thuế TTĐB với nước giải khát có đường từ 1/1/2014. Chính phủ Đan Mạch nhận thấy những tác động kinh tế của chính sách này. Điển hình như việc người Đan Mạch sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn dẫn đến giảm 5.000 việc làm tại Đan Mạch. Sau khi bãi bỏ sắc thuế này, tỉ lệ béo phì ở nước này vẫn được duy trì ở mức độ phù hợp so với thời gian trước khi bãi bỏ thuế này.

Na Uy loại bỏ hoàn toàn thuế TTĐB với đồ uống khong cồn từ 1/7/2021. Na Uy áp dụng chính sách thuế đối với nước giải khát có đường từ năm 1981 nhưng công cụ thuể không mang lại hiệu quả như mong muốn trong kiểm soát thừa cân, béo phì. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi là 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới.

Quận Cook, bang Illinois, Mỹ Loại bỏ hoàn toàn thuế TTĐB với nước giải khát có đường sau chưa đầy 1 năm thông qua.  Bang California, Mỹ thậm chí đã thông qua luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Không áp thuế nhưng kiểm soát tốt thừa cân, béo phì

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, hiện trên thế giới có một số quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả.

Nhật Bản là nước có tỉ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (146 lít/người/năm) nhưng tỉ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%. Dự báo mức tiêu thụ đồ uống không cồn tại Nhật Bản sẽ đạt khoảng 172,8 lít/người vào năm 2024. Hai bộ luật Shokuiku và Metabo, quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công sở phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khiacsh nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Tại Đức, theo báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở Đức là 336,3 lít/người, cao hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu (243,9 lít/người). Tuy nhiên, Đức không áp dụng TTĐB với nước giải khát. Đức áp dụng chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất và áp dụng cá quy định hạnh chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng. Các biện pháp nà được ghi nhận là sẽ giúp ngăn ngừa khoảng 218.000 trường hợp bị bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát cho biết, nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.

Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020 . Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, mức độ tiêu thụ này cũng khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phó chủ tịch Hiệp hội dẫn chứng, theo báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/ người, tức là gấp gần 4,8 lần so với Việt Nam. Các quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu là Đức (336,3 lít/người), Hungary (310,3 lít/ người) và Bỉ (272,4 lít/người).

Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ nước giải khát trên 100 lít/người/năm chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát. Đức mặc dù là nước có tỉ lệ tiêu thụ nước giải khát cao nhất châu Âu cũng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát.

Tại châu Á, nhiều nước cũng có mức tiêu thụ bình quân đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm như Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 169,28 lít/người/năm và 96,51 lít/người/ năm (theo số liệu dự báo của Statis năm 2023) nhưng đều không áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.

Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỉ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%.

Tại khu vực châu Mỹ La tinh, theo số liệu của Euromonitor công bố năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người hàng ngày ở khu vực này là 252 ml/người/ngày, tương ứng với khoảng 91,98 lít/người/năm. Trong đó Mexico và Chile có mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân lần lượt là 450ml/người/ngày và 384 ml/người/ngày, tương ứng với 164,25 lít/người/năm và 140.16 lít/người/năm. Ở Hoa Kỳ, theo dữ liệu độc quyền từ Tập đoàn Tiếp thị Đồ uống (BMC) mức tiêu thụ nước giải khát năm 2021 khoảng 140,5 lít/ người/ năm.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Hội Khoa học Kỹ thuật và An toàn thực phẩm, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho rằng, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết được tình trạng thừa cân béo phì. Cần phải thực hiện các giải pháp chống thừa cân béo phí như giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe; sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn; tăng cường các hoạt động thể chất, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em ở cả trường và ở nhà.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có chống được béo phì? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan