Cần "nghiên cứu kỹ" thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

11/07/2024, 15:38
báo nói -

TCDN - Tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/7, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chiu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý có nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính đề xuất này để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế (nội dung quy định tại điểm l tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật).

IMG_9585

Góp ý về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Hội Khoa học Kỹ thuật và An toàn thực phẩm Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho hay, tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam do khẩu phần ăn và dinh dưỡng không cân bằng các chất; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế xã hội; ngủ ít; suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.

Do đó, theo ông Dũng nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết được tình trạng thừa cân béo phì. Cần phải thực hiện các giải pháp chống thừa cân béo phí như giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe; sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn; tăng cường các hoạt động thể chất, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em ở cả trường và ở nhà.

Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết, mMột số quốc gia sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng mặc dù tiêu thụ đồ uống có đường giảm như Ấn Độ, Chi lê, Mexico. Một số quốc gia sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng có tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng mặc dù tiêu thụ đồ uống có đường giảm như Phần Lan, Thái Lan, Philippines. Một số quốc gia bỏ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do không hiệu quả như Đan Mạch, Na Uy. Trong khi đó, Nhật Bản, Đức không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả.

Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

“Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm. Hiệp hội Hoa Kỳ khuyến nghị cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, bà Nguyễn Việt Hà khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường có thể dẫn tới nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế VAT và TNDN; tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dẫn chứng thêm, theo ông Phụng, nếu sản lượng nước giải khát giảm 20% như Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo thì thu ngân sách từ thuế VAT sẽ giảm tương ứng. Thuế VAT đối với mặt hàng đường đang được đề xuất tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho thu nhập của doanh nghiệp giảm và kéo theo thuế TNDN sẽ giảm tương ứng.

Vì vậy, ông Phụng cho rằng, cần đánh giá những tác động về thu ngân sách khi sản lượng nước ngọt giảm và thu từ thuế VAT và TNDN giảm tương ứng; cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường, …). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế.

Bên cạnh đó, ông Phụng cũng cho rằng có thể đánh thuế với nước giải khát có đường nhưng cơ quan soạn thảo cần đưa ra các nghiên cứu cụ thể với những lý do thuyết phục hơn.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Cần "nghiên cứu kỹ" thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?
Tại Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức ngày 5/7, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa các đối tượng nước giải khát, đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa phù hợp, ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.