Đề xuất không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng
TCDN - Tại hội nghị gặp các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4, các Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ xem xét không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, sữa, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng...
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết, EuroCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.
“Theo hướng đó, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế thu nhập đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện”, ông Gabor Fluit khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu các tác động của đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng loại thuế này không có tác dụng lắm trong việc giảm thiểu tỉ lệ béo phì, tiểu đường trong khi đó áp dụng loại thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành nước giải khát Việt Nam vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 cũng như sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khác như mía, bán lẻ, đóng gói và logistics…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ hơn đối với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, Bộ Tài chính, đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899