VBF 2023: Đề nghị xác định rõ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

17/03/2023, 18:40
báo nói -

TCDN - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023, nhóm Công tác thuế và hải quan đề nghị xác định rõ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, giúp tránh nhầm lẫn về đối tượng nào chịu thuế và đối tượng nào không chịu thuế; xây dựng phương pháp tính thuế cụ thể.

Sáng 17/3/2023, Phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 (VBF 2023) khai mạc tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, nhóm Công tác thuế và hải quan cho biết, trong giai đoạn năm 2017 - 2018, Bộ Tài chính đã xem xét đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường, trừ các sản phẩm sữa, ở mức thuế suất 10% nhằm hạn chế tiêu thụ các sản phẩm này và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm tỷ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường tại Việt Nam, cũng như tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, cho đến nay, đề xuất này vẫn chưa được trình lên để Quốc hội phê duyệt.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vào ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ngày 19/5/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1294/QĐ-BYT về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025, trong đó, yêu cầu xây dựng quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Vào ngày 13/12/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hành Sổ tay tổng hợp về chính sách thuế đối với đồ uống có đường nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng pháp luật về thuế đối với đồ uống có đường. Thừa cân và béo phì có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn nhiều chất béo, ít ăn rau quả, có cả nguyên nhân do di truyền, xem tivi, điện tử nhiều, ít vận động, chứ không duy nhất đến từ việc tiêu dùng các loại đồ uống có đường. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ làm tăng giá bán, dẫn đến cơ hội cho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.

Theo nhóm Công tác thuế và hải quan, khi ban hành chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, đối tượng chịu thuế cũng như cơ sở tính thuế cần được xác định cụ thể và rõ ràng, trong đó:

Khái niệm “đồ uống có đường” cần được xác định rõ ràng và cụ thể, đó là đồ uống có chứa đường hay tất cả đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không, trên cơ sở tồn tại nhiều loại đồ uống bao gồm nước giải khát có ga/ không ga, nước trái cây, sữa có hương vị và các đồ uống làm từ sữa khác, các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật có đường, nước tăng lực/ thể thao, trà đá có đường, cà phê pha sẵn, và bột cô đặc.

Phương pháp tính thuế nên là thuế tuyệt đối hay thuế tương đối và có cần thay đổi theo hàm lượng đường/ mức độ ngọt, trên cơ sở sản phẩm có hàm lượng đường/ độ ngọt khác nhau thì sẽ có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ tác động của thuế TTĐB trên đồ uống có đường đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời có cách tiếp cận toàn diện về vấn đề này căn cứ vào thông lệ quốc tế cũng như ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành, để việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa đồ uống có đường và các loại đồ uống khác", báo cáo của VBF cho biết.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, nhóm mong muốn Chính phủ Việt Nam đảm bảo các vấn đề như mục tiêu của chính sách rõ ràng, chính sách được thiết kế tốt, thúc đẩy tính minh bạch và tính tuân thủ. Xác định rõ đối tượng chịu thuế, giúp tránh nhầm lẫn về đối tượng nào chịu thuế và đối tượng nào không chịu thuế.

Cùng với đó, xây dựng phương pháp tính thuế cụ thể và tạo thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp của doanh nghiệp, hạn chế chi phí phát sinh không cần thiết trong việc kê khai thuế; Tham vấn kịp thời và đầy đủ với nhiều bên liên quan trong quá trình xây dựng chính sách để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của quá trình xây dựng chính sách.

Bên cạnh công cụ thuế, Chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét thực hiện các giải pháp chính sách có tính thân thiện với thị trường hơn và đã được chứng minh hiệu quả ở các nước khác như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết VBF 2023: Đề nghị xác định rõ đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đề xuất áp thuế TTĐB với đồ uống có đường, thuốc lá mới, trò chơi điện tử
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng như đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.