Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Bộ Công Thương nói gì?

29/03/2024, 19:15
báo nói -

TCDN - Theo Bộ Công Thương, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân xăng dầu chủ động quyết định giá bán lẻ nhưng không cao hơn công thức giá quy định.

Chiều 29/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024.

Theo Bộ Công Thương, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân xăng dầu chủ động quyết định giá bán lẻ nhưng không cao hơn công thức giá quy định. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân xăng dầu chủ động quyết định giá bán lẻ nhưng không cao hơn công thức giá quy định. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đang phối hợp xây dựng dự thảo nghị định mới, thay thế các nghị định trước đây về kinh doanh xăng dầu. Nội dung nghị định sẽ có nhiều đổi mới vừa mang tính chất đảm bảo mục tiêu cân đối cung cầu xăng dầu, không thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng...

Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dự thảo nghị định dự kiến tiến gần hơn với cơ chế thị trường. Theo đó, nhà nước ban hành công thức giá để doanh nhân tự quyết định giá bán nhưng không cao hơn công thức giá quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương dự thảo có nhiều nội dung đổi mới, nhưng phải đảm bảo mục tiêu cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường nhưng phải có điều tiết của cơ quan Nhà nước.

"Nhà nước có vai trò điều tiết, đưa ra công thức, trên công thức đó doanh nghiệp tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp nhưng không vượt giá trần", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ một số bất cập nên dự thảo lần này đang nghiên cứu đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về mức trích, chi, thời gian trích, chi sử dụng quỹ.

“Dự thảo nghị định dự kiến quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá xăng dầu để thực hiện. Việc này cũng phù hợp với quy định của luật Giá năm 2023 mới ban hành có hiệu lực từ 1/7/2024” - bà Hiền cho biết.

Cũng theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, dự thảo hiện nay đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức có liên quan. Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá để hoàn thiện và sau đó lấy ý kiến rộng rãi.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã bộc lộ một số điểm bất cập nên cần xem xét sửa đổi, Bộ đang lấy ý kiến về việc nên giữ hay bỏ quỹ này. 

Theo quy định hiện hành, nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Với lần xây dựng nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế...

Dựa trên dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Bộ Công Thương cho rằng quy định này nhằm giảm sự can thiệp của nhà nước vào quyết định giá bán của doanh nghiệp

Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh thực hiện 15 ngày/lần.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Bộ Công Thương nói gì? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu
Việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang gấp rút về đích. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế và việc thực hiện rốt ráo tại các địa phương.
Thủ tướng: Tạm dừng hoạt động cửa hàng xăng dầu không thực hiện hóa đơn điện tử
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh.