Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

17/08/2021, 15:44

TCDN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ho-tro-doanh-nghiep-mua-dich

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với các địa phương trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện hoạt động thiện nguyện, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Tờ trình và Nghị quyết.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, dự thảo Nghị quyết đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; Tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến kèm theo Tờ trình số 5346/TTr-BKHĐ, đến ngày 15/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến góp ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và ý kiến của 15 Bộ, ngành, cơ quan. Về cơ bản, các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết, kết cấu, quan điểm và nội dung của dự thảo Nghị quyết và ủng hộ việc sớm ban hành Nghị quyết.

Mục tiêu là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu cụ thể sau: Lũy kế khoảng 01 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội; các Nghị định: số 41/2020/NĐ-CP; số 44/2021/NĐ-CP; số 52/2021/NĐ-CP; các Nghị quyết của Chính phủ: số 42/NQ-CP, số 84/NQ-CP; số 63/NQ-CP, số 68/NQ-CP.... nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.

Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan