ĐHĐCĐ Vissan: Satra tạm ngừng thoái vốn, kế hoạch lãi 179 tỷ năm 2018

11/04/2018, 10:59

TCDN - Đánh giá hoạt động chăn nuôi sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2018, Vissan sẽ đẩy mạnh bán hàng tại các kênh phân phối hiện đại, phát triển thị phần thực phẩm chế biến ở phân phúc trung bình.

Kế hoạch lãi tăng 8% năm 2018

Sáng nay (11/4), Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan - Mã: VSN) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.

HĐQT trình kế hoạch doanh thu năm 2018 là 4.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 179 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Cổ tức dự kiến 5%.

Để đạt được mục tiêu này, sản lượng các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt heo… cũng sẽ tăng từ 15 – 20% so với năm trước, trong đó heo các loại tăng cao nhất 20%.

Năm 2018, Vissan đánh giá hoạt động chăn nuôi sẽ có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2017, nhiều trang trại trở lại chăn nuôi, đàn heo nái được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung ra thị trường cân bằng hơn.

Giá heo hơi dự báo tăng và sản lượng thịt heo nhập khẩu sẽ tăng so với năm 2017 nhờ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu thịt heo theo hiệp định EVFTA và AEC. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ tăng sức mua thực phẩm tại các kênh hiện đại, thị trường bán lẻ được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Vissan sẽ tiến hành đẩy mạnh bán hàng tại các kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi và kênh Horea (nhà hàng, khách sạn, canteen…) đối với các mặt hàng thịt tươi sống. Với thực phẩm chế biến, Vissan phát triển thị phần tại phân khúc thu nhập trung bình bằng các sản phẩm giá rẻ…

Đối với các dự án trọng điểm như di dời và đổi mới công nghệ Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm Vissan, công ty sẽ lựa chọn nhà thầu triển khai các gói cung cấp thiết bị đây truyền giết mổ 360 con/giờ.

Năm 2017, tình hình chăn nuôi trong cả nước gặp nhiều khó khăn, giá thịt heo hơi giảm sâu, thị trường tiêu thụ thịt heo vẫn chưa khởi sắc. Ngành heo tăng trưởng tới 13% nhưng việc cạnh tranh về giá ở chợ truyền thống có sự hạn chế, thịt bò giảm 6% cùng kỳ. Tuy nhiên Vissan vẫn đạt lợi nhuận sau thuế gần 130 tỷ đồng tỷ đồng. HĐQT trình cổ tức 7%.

Satra tạm ngừng thoái vốn

Phần thảo luận diễn ra, đại diện Vissan trả lời cổ đông.

Công ty định gia tăng lợi nhuận bằng cách gia tăng doanh thu. Ngoài ra còn cách nào khác không, ví dụ giảm chi phí/doanh thu?

Việc gia tăng lợi nhuận chỉ có hai cách: tăng doanh thu, giảm chi phí. Hiện tại định hướng của Vissan từ khi chuyển qua CTCP là tập trung mạnh việc quản lý giảm chi phí. Đây là điều kiện giảm cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài.

So sánh với các doanh nghiệp khác tương đồng, chi phí của họ thì nhỏ còn của Vissan là 7,83%. Có nhiều vấn đề làm chi phí Vissan cao vì (1) khi cổ phần phải định giá lại giá trị doanh nghiệp, phân bổ lại giá trị thương mại. 190 tỷ này phân bổ trong 3 năm; (2) lợi nhuận công ty năm vừa qua có trích 1 phần cho trợ cấp thôi việc trong 3 năm tới (32 tỷ), trích quỹ khoa học công nghệ (20 tỷ). Những con số này nằm trong chi phí do đó làm chi phí tăng cao, làm tổng chi phí/doanh thu tăng. Nếu loại trừ các khoản chi phí này thì chi phí doanh nghiệp nhỏ, không hề lớn.

Dự án Long An tiến độ triển khai thế nào, chừng nào hoạt động? Trường hợp chuyển nhà máy về Long An thì đất ở TPHCM thế nào?

Trong thời gian vừa qua, Vissan đã chuẩn bị ký kết hợp đồng triển khai gói thầu dây chuyền giết mổ 360 con/ giờ; tổ chức lựa chọn nhà thầu; làm công tác rà soát bom mìn, thi công tường rào bao quanh. Thời gian dự kiến vào hoạt động là 2019.

Khu đất 420 Nơ Trang Long – nhà máy hiện hữu của Vissan sau khi cổ phần hóa là miếng đất thuê lại từ công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn. Trách nhiệm và nghĩa vụ của Vissan với miếng đất này không còn.

Tình hình Satra giảm sở hữu tại Vissan?

Satra nắm 67,76% vốn Vissan. Tháng 2/2018, Vissan nhận được văn bản từ Thành ủy TP HCM yêu cầu tạm ngừng thoái vốn, tăng vốn. Do đó, Vissan phải tiếp tục chờ đợi.

Kênh phân phối hiện tại của cửa hàng Satra mở rất nhiều, thêm BHX, Vinafood có ảnh hưởng tới Vissan không?

Hiện nay Vissan bán hàng của mình, có hai mặt hàng chủ yếu là tươi sống và chế biến. Tươi sống chủ yếu ở TP HCM, thuộc các kênh bán hàng hiện đại và các sạp chợ. Vissan còn dự kiến mở thêm 5 cửa hàng, bán heo mảnh, heo khúc trong năm nay. Vissan nhận thấy thị phần mặt hàng này tốt. Còn lại thực phẩm chế biến phân phối khắp cả nước, hiện có 128 nhà phân phối và 130.000 điểm bán. Còn tại TPHCM Vissan có khoảng 40 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, giảm từ con số 100 cửa hàng trước đây vì hoạt động không hiệu quả.

Những cửa hàng này Vissan đi hoàn toàn theo kênh khác, bán sản phẩm chuyên doanh của Vissan và chủ yếu là hàng tươi sống nên không có trùng hướng đi với một số thương hiệu khác.

Theo nguoidonghanh.vn

Bạn đang đọc bài viết ĐHĐCĐ Vissan: Satra tạm ngừng thoái vốn, kế hoạch lãi 179 tỷ năm 2018 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận