"Doanh nghiệp bất động sản đối diện nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp"
TCDN - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sự chững lại đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản khiến cho nhiều dự án không được tiếp tục triển khai, một bộ phận lớn doanh nghiệp bất động sản có thể đối diện nguy cơ vỡ nợ TPDN.
Tại Tọa đàm: “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” sáng 24/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc có thị trường bất động sản khá giống nhau, cả khi có cả dạng nhà ở, nhà cho thuê chưa hoàn chỉnh (xây thô) hoặc đất nền; chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc có thêm một loại vốn từ trả trước một phần của khách hàng.
"Phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về thị trường bất động sản. Lúc nào thì thị trường bất động sản gặp vấn đề, gặp vấn đề về "bong bóng" bất động sản, đặc biệt là giá nhà cao hơn 30 lần tiền lương của người mua nhà", ông Nghĩa nói.
Trung Quốc và Việt Nam đều đang gặp vấn đề dư cung, thừa nguồn cung và thiếu vốn. Việt Nam có tình trạng dư cung, thiếu cung ở một vài phân khúc bất động sản dẫn đến ko có hàng để bán nên dòng tiền bị âm. Nhiều dự án đắp chiếu không có tiền triển khai, không có tiền giải phóng mặt bằng...
Ông Nghĩa khẳng định, cung thiếu thực chất là thiếu vốn. Hiện tại, Việt Nam còn có vấn đề nghiêm trọng hơn là dòng vốn lâu nay cho bất động sản đang bị đình trệ. Trái phiếu đang tăng lên một chút nhưng trái phiếu bất động sản lại đang khá trầm lắng, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8 đi xuống vô cùng nghiêm trọng. Phần lớn tài sản thế chấp ngân hàng đều là bất động sản.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để giải quyết vấn đề này, giải pháp cấp thiết là xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn về phát hành TPDN. Vấn đề thứ hai ngoài pháp lý là những kinh nghiệm về quản lý, đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm. Bởi nhìn sang các quốc gia trên tế giới, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong cộng đồng không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền,… để quyết định đầu tư, họ đơn giản quan tâm chuyện doanh nghiệp đó được xếp hạng như thế nào.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để minh bạch thị trường vốn, dứt khoát tất cả các ngân hàng thương mại phải xếp hạng các doanh nghiệp mình cho vay, dùng các chỉ tiêu tài chính và các chỉ tiêu phi tài chính để xếp hạng.
Theo tính toán của ông Lê Xuân Nghĩa, từ nay đến cuối năm có khoảng 112 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn, chưa nói những năm sau. Trong số 1,4 triệu tỷ dư nợ trái phiếu thì có 700-800 nghìn tỷ là của doanh nghiệp bất động sản. Sự chững lại đáng lo ngại của thị trường TPDN bất động sản khiến cho nhiều dự án không được tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán dư nợ trái phiếu chuẩn bị đáo hạn. Nói cách khác, một bộ phận lớn doanh nghiệp bất động sản có thể đối diện nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, theo TS Nghĩa cần sửa đổi nhanh Nghị định 153 để phục hồi thị trường TPDN đang bị đình trệ do thủ tục và do lòng tin nhà đầu tư suy giảm.
Khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu lớn, thời gian đáo hạn trong kỳ tới cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi trả, bao gồm mạnh dạn phát hành trái phiếu mới hoặc bán các dự án, tài sản dở dang… nhằm duy trì thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhanh chóng đăng ký xếp hạng doanh nghiệp, có thể công bố hoặc chưa công bố, quan trọng là tạo ra một tiền đề minh bạch và chuyên nghiệp để dễ dàng phát hành TPDN trong một vài năm tới, hoặc thậm chí ngay trong năm sau với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tương đối tốt.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899