Doanh nghiệp chuyển đổi số: Thay đổi quy trình, đổi mới sản phẩm
TCDN - Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức lớn.
70% ngân sách cho chuyển đổi số bị lãng phí
Theo ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn và Triển khai Chuyển đổi số miền Bắc của Base, thống kê của VCCI cho thấy, 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số. Nhưng 90% doanh nghiệp chưa hiểu và 78% không biết bắt đầu từ đâu. 70% ngân sách cho chuyển đổi số bị lãng phí. Nguyên do một phần do các doanh nghiệp chưa thực sự hiểu chuyển đổi số là gì và để làm gì, chỉ chạy theo trào lưu, dẫn tới triển khai không hiệu quả.
“Giống như chúng ta muốn làm cái gì đó, nhưng không biết nó là gì. Có thể chúng ta đang chạy theo xu hướng mà thực sự không biết chúng ta cần gì”, ông Thành nhận định.
Là nhà cung cấp dịch vụ quản trị vận hành cho rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, ông Thành cũng thừa nhận không phải tất cả đều thành công. Thậm chí có khoảng 20% khách hàng của Base chưa đạt được mục tiêu khi chuyển đổi số.
“Có hai nguyên nhân lớn và thường gặp nhiều nhất dẫn tới việc chuyển đổi số chưa thành công. Chiếm 30% là lãnh đạo thiếu quyết liệt và những nhóm tiên phong trong đơn vị chưa sẵn sàng chuyển đổi số. Những nguyên nhân khác là khả năng quản trị sự thay đổi, kỳ vọng sai về chuyển đổi số, hoặc gặp vấn đề về khả năng cải tiến quy trình”, ông Thành cho hay.
Từ thực tế đó, chuyên gia khuyến nghị vấn đề chuyển đổi số cần sự thay đổi lớn về cả tư duy và con người trong tổ chức.
“Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ. Không bao giờ nên bắt đầu bằng việc tìm một phần mềm và coi đó là áp dụng công nghệ. Yếu tố về con người, tư duy mới là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, “hãy biến không thành có trước, rồi mới tối ưu sau”. Bốn kinh nghiệm của Base, đó là cần sự quyết liệt từ ban lãnh đạo, trong đó cần mục tiêu rõ ràng và coi chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm. Ngoài ra, tổ chức phải lựa chọn được đúng thành viên cho đội ngũ tiên phong về chuyển đổi số, truyền thông nội bộ thường xuyên về chiến lược của mình, đồng thời bắt đầu chuyển đổi từ những tính năng, quy trình dễ trước khi áp dụng ra quy mô lớn.
Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp Kikai Phạm Văn Hoàng nhấn mạnh, chuyển đổi số chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Chuyển đổi số đã không còn là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp có thể thực sự đứng vững trước thời cuộc. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu suất doanh nghiệp nhờ vào việc tự động hóa các quy trình, nâng cao năng suất làm việc, triển khai các giải pháp công nghệ thông minh, áp dụng vào quy trình vận hành doanh nghiệp dẫn đến năng suất làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, với việc cắt giảm các chi phí vận hành, duy trì các hoạt động kinh doanh bằng cách tự động hóa các quy trình và trải nghiệm khách hàng, sẽ nâng cao doanh thu của doanh nghiệp, giúp cho dịch vụ của doanh nghiệp thuận tiện, linh hoạt hơn đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng và mang về lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, ngoài những cơ hội mà chuyển đổi số có thể đem lại cho doanh nghiệp, vẫn còn không ít những thách thức được đặt ra với doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số. Hiện tại, không ít các doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số nhưng vẫn giữ nguyên cách làm việc truyền thống khiến cho chiến lược doanh nghiệp ở vào trạng thái “nửa chừng xuân”. Những thói quen cũ như ngại thay đổi, thiếu sáng tạo và tư duy kiểu lối mòn có thể sẽ là nút thắt, đưa doanh nghiệp đến với khó khăn.
Bên cạnh đó, với ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư về công nghệ là một khoản đầu tư không hề nhỏ, bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các giải pháp kỹ thuật. Đây có thể là thách thức không nhỏ, làm chậm quá trình ra quyết định và buộc các nhà lãnh đạo phải lùi bước.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra thách thức cũng như cơ hội, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng bày tỏ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin, mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
“Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm về”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ.
Ông Bùi Thế Duy cũng cho biết, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia có nhiều tiêu chí liên quan về phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một sự kết hợp tối ưu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu.
"Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, để làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường", GS.TS Nguyễn Văn Phước khẳng định.
Theo đó, các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.Về chuyển dịch năng lượng, theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Việt Nam cần ba giai đoạn. Đầu tiên là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo, thứ ba là năng lượng sinh học. Hiện nay, tỉ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định.
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, theo quy hoạch, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 khu này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm...Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: Kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái.
Đối với nông nghiệp bền vững, Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...
GS.TS Nguyễn Văn Phước cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050", GS.TS Nguyễn Văn Phước nói.
Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Đặng Đức
email: [email protected], hotline: 086 508 6899