Doanh nghiệp dệt may: Đón đầu "xanh hóa"

10/02/2024, 09:53
báo nói -

TCDN - Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, EU và các hành động xanh của khu vực này sẽ tác động trực tiếp tới nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam.Do vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã chủ động thay đổi và hướng đến sản xuất xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

4-3

Xây dựng 30 thương hiệu mang tầm quốc tế vào năm 2030

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xanh hóa” ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế...

Theo VITAS, năm 2023, với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3)... Bên cạnh đó, hiện 27 thị trường thuộc EU đều thắt chặt tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.

PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải nhà kính cao. Trong khi đó, nguồn cung nguyên phụ liệu của Việt Nam lại chủ yếu là nhập khẩu khoảng 70% khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.

4-1

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, từ cách đây 5 năm, ngành dệt may Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực từ các thị trường với những yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, khí thải, nước thải, môi trường làm việc, vấn đề liên quan đến chứng chỉ an toàn trong sản phẩm dệt may… Trong đó, thị trường châu Âu đưa ra những yêu cầu khắt khe nhất, tiếp đến là thị trường Mỹ, đây cũng là 2 thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.

Hiện phía EU đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng các sản phẩm tái chế. Các nhãn hàng cũng đòi hỏi nhà sản xuất Việt Nam phải thích ứng được yêu cầu của thị trường về sản phẩm tái chế. Vì vậy, các nhà sản xuất sợi của Việt Nam đã phải thay đổi một số thiết bị công nghệ cho ngành kéo sợi và sử dụng một số sản phẩm từ bông, sợi polyester pha trộn với sợi tái chế.

Sản xuất vải tái chế

Trước những thách thức và yêu cầu khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thay đổi và hướng đến sản xuất xanh. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) hợp tác triển khai dự án sản xuất vải tái chế tại Việt Nam. Ông K.Kim, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hansae, cho biết toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.

Là doanh nghiệp xuất khẩu may mặc hàng đầu Việt Nam, May 10 đang xanh hóa trong sản xuất để đáp ứng với tiêu chuẩn đưa ra. Năm 2022, May 10 xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn nhằm triển khai dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà tại Xí nghiệp may Bỉm Sơn và đã đạt được nhiều lợi ích từ việc này. Chi phí sử dụng điện rẻ hơn, đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế I-REC, chứng chỉ toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo, từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

4-2

Xung quanh vấn đề xanh hóa, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhấn mạnh những yêu cầu từ thị trường EU trong vấn đề cấm tiêu hủy hàng dệt may, điều này đương nhiên tác động tới các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. “Mới đây, nhiều hãng sản xuất đã trình diễn các công nghệ tái chế sản phẩm từ các sản phẩm dệt may, từ quần áo. Doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại tỉnh Long An, Công ty Dệt may Trung Quy đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000m2 tại huyện Đức Hòa. Ở khâu nhuộm, dệt, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm. Đặc biệt, doanh nghiệp đã xuất khẩu 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ, là lô hàng đầu tiên sau khi công ty chuyển sang mô hình sản xuất xanh từ cuối năm 2022.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (Thanh Cong Textile), cho biết yêu cầu về phát triển bền vững, trong đó có yếu tố về môi trường, đã được các khách hàng yêu cầu từ lâu. “5 năm trở lại đây, mức độ thúc đẩy của họ ngày càng cao, nhất là các nhà mua hàng từ châu Âu, Mỹ. Đây là áp lực trực diện, tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi”, ông Tùng cho biết. Ông Tùng cũng khẳng định: “Áp lực từ từng khách hàng rất khác nhau nên mức độ chuyển đổi của các doanh nghiệp sẽ khác nhau. Có những doanh nghiệp đã chú trọng phát triển bền vững từ sớm nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn chưa bắt đầu”...

Để việc chuyển đổi xanh trong ngành dệt may diễn ra mạnh mẽ hơn, tiến tới giữ vững đơn hàng, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số trong quá trình chuyển đổi xanh ngành dệt may. Ngoài ra, cần đáp ứng mục tiêu thúc đẩy sản xuất sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các doanh nghiệp trong ngành dệt may trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị. Ngành dệt may cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may.

Hồng Loan

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp dệt may: Đón đầu "xanh hóa" tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899