Doanh nghiệp FDI đứng đầu ngành thép lỗ hơn 10 nghìn tỷ

05/01/2021, 08:12

TCDN - Theo Bộ Tài chính, Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào NSNN rất hạn chế, chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,...) dành cho những DN lớn.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2018 và 2019, 2 DN FDI lớn nhất trong nhóm ngành “Sản xuất sắt, thép và kim loại khác” là Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina.

Theo báo cáo tài chính 2019, tổng tài sản Formosa Hà Tĩnh hơn 286,8 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 38,9 nghìn tỷ đồng, hàng tồn kho 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng so với mức 25 nghìn tỷ đồng đầu năm. Nợ phải trả 185,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 64,3 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn 121,5 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 100,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 118,3 nghìn tỷ đồng, lỗ lũy kế 25,3 nghìn tỷ đồng.

Formosa Hà Tĩnh liên tục báo lỗ bất thường

Formosa Hà Tĩnh liên tục báo lỗ bất thường

Doanh thu sản xuất kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính của DN này năm 2019 là 72 nghìn tỷ đồng (tăng 11,7% so với năm 2018), song số lỗ năm này lên tới 11,5 nghìn tỷ đồng (gấp 4,2 lần năm trước). Số nộp NSNN năm 2019 chỉ 51,6 tỷ đồng.  

Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 25,4 nghìn tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần. Điều này cho thấy, DN sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn. Hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số là 0,19 lần. Các hệ số thanh toán đều ở mức thấp cho thấy DN đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. 

Cũng theo báo cáo tình chính năm 2019, Cty Posco Yamoto Vina có tổng tài sản công ty 19,9 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 11 nghìn tỷ đồng (hàng tồn kho 1,2 nghìn tỷ đồng). Nợ phải trả lên tới 15,649 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 15,646 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn 2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 4,3 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu 7,1 nghìn tỷ đồng, lỗ lũy kế 8,9 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu sản xuất kinh doanh và doanh thu tài chính của DN năm 2019 là 10,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức 12,9 nghìn của năm 2018. Năm 2019, DN báo lỗ 2,7 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần năm 2018. Số nộp NSNN năm 2019 là 41 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,71 lần. Hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng ở mức thấp là 0,56 lần cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. 

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp FDI đứng đầu ngành thép lỗ hơn 10 nghìn tỷ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan