Vụ “treo” hồ sơ đăng ký thế chấp tại Hóc Môn:

Doanh nghiệp "kiệt sức" vì chờ cơ quan nhà nước

15/10/2020, 20:18

TCDN - Để tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn tài chính, một số doanh nghiệp buộc lòng phải dùng “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, gần 10 tháng qua, hồ sơ đăng ký bị “treo” tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, giao dịch hợp đồng thế chấp với ngân hàng không thể thực hiện được.

Như nội dung Tài chính Doanh nghiệp đã đăng tải trong các bài viết trước, do tình hình dịch bệnh Covid kéo dài đã ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh, để tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn tài chính, một số doanh nghiệp buộc lòng phải dùng “sổ đỏ” để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, gần 10 tháng qua, hồ sơ đăng ký bị “treo” tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, Tp.HCM, giao dịch hợp đồng thế chấp với ngân hàng không thể thực hiện được. Tình trạng này kéo dài đã khiến cho doanh nghiệp kiệt sức.

Sự bàng quan của cơ quan quản lý

Để làm rõ những nội trong đơn thư phản ánh của doanh nghiệp, phóng viên Tài chính Doanh nghiệp đã tới liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Đông Thạnh, UBND huyện Hóc Môn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên gần 2 tháng trôi qua, các cấp chính quyền từ xã Đông Thạch đến UBND TP. Hồ Chí Minh đồng loạt “im lặng”.

Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn

Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn "im hơi lặng tiếng" trước những thông tin báo chí nêu.

Trước đó, ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: trường hợp 1392 hồ sơ bị tạm ngưng giao dịch là do cơ quan thanh tra đang thanh tra, vì vậy xin nhà báo thông cảm cho phía Sở không thể cung cấp thêm thông tin gì được. Để nắm rõ thông tin, đề nghị nhà báo liên hệ với cơ quan thanh tra Thành phố.

Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh rằng, việc thanh tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến tháng 7/2016 trên thực tế đã kết thúc từ tháng 11/2018 và bản thân cơ quan thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận, vì vậy nếu nói vụ việc này đang được thanh tra là bất hợp lý thì vị trưởng phòng này lại xin đính chính lại thông tin rằng, không phải thanh tra thành phố đang thanh tra mà đang thực hiện các kết luận thanh tra.

Khi phóng viên đặt vấn đề làm rõ quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra; nội dung công việc mà Sở phải thực hiện theo kết luận thanh tra, người dân bao giờ được quyền giao dịch trở lại khi quá trình thanh tra đã hết…. thì vị trưởng phòng này không trả lời được và nói sẽ xin ý kiến Giám đốc Sở. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, cho đến nay, vị đại diện này cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn không hề có động thái thông tin lại cho báo chí.

Vấn đề tài chính luôn được ví như xương sống của doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid kéo dài có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Hiểu rõ vấn đề này, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trước đó, tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2020” tổ chức ngày 5/5/2020, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh: “Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố không chỉ là mệnh lệnh, mà còn là yêu cầu cấp bách để vực dậy kinh tế thành phố, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường”.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho rằng, có nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt cần ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để không mất lao động, bảo đảm tính thanh khoản, phục hồi sản xuất,… phải được ưu tiên hàng đầu.

Thông điệp ấy, hẳn rất nhiều doanh nghiệp và người dân thành phố còn nhớ. Thế nhưng sau 8 tháng doanh nghiệp đệ đơn kêu cứu, cộng thêm qua 2 tháng báo chí với tư cách cơ quan đại diện tiếng nói của nhân dân, doanh nghiệp đến “gõ cửa” cơ quan quản lý nhà nước từ phường đến UBND thành phố, nhưng tất cả đều im lặng đến vô cảm. Đây có được coi là sự bàng quan, vô trách nhiệm hay không? Và liệu đây có được coi là minh chứng cho việc “Nói thì dễ, làm được mới khó”?.

Thông tin đã thực sự minh bạch?

Ông Lê Văn Thịnh - Giám đốc một công ty may mặc, đồng thời cũng là chủ thửa đất số 662, tờ bản đồ 62 tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, khổ chủ của vụ “treo” hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn gần 10 tháng qua cho biết: “Chúng tôi luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thuận với những quyết sách của thành phố. Chúng tôi chưa cần sự ưu ái. Cái chúng tôi cần là sự minh bạch thông tin, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính”.

“Mảnh đất tôi đang làm hồ sơ thế chấp là tài sản hợp pháp đã được cơ quản quản lý nhà nước công nhận. Mảnh đất đó không trong diện tranh chấp. Tại sao khi “treo” hồ sơ xóa thế chấp và thế chấp, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn không cho tôi biết được lý do, mà chỉ nói đó là chỉ đạo miệng từ lãnh đạo huyện” - ông Thịnh bức xúc.

UBND huyện Hóc Môn vẫn chưa có câu trả lời cho hàng nghìn hộ dân về việc

UBND huyện Hóc Môn vẫn chưa có câu trả lời cho hàng nghìn hộ dân về việc "om" 1392 hồ sơ sổ đỏ tại địa bàn.

Tìm hiểu thêm về vụ việc trên, Tài chính Doanh nghiệp được biết, tháng 11/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh có chỉ đạo Thanh tra TP. Hồ Chí Minh thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện này từ năm 2015 đến tháng 7/2016. Trong số 1.392 hồ sơ giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở huyện Hóc Môn trong giai đoạn trên, đoàn thanh tra chọn 100 hồ sơ có diện tích đất ở lớn (từ lớn hơn 500m2 đến 6.658m2), thuộc 3 nhóm quy hoạch 1/2.000, 1/5.000 và 1/10.000, có dấu hiệu vi phạm quy định quản lý nhà nước về đất đai để kiểm tra.

Thanh tra thành phố đã chỉ ra việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015, 2016 của huyện Hóc Môn không đúng quy định, không đúng tiến độ, không sát với tình hình thực tế, dẫn đến việc thực hiện theo kế hoạch được duyệt không khả thi. Việc trình UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm của huyện Hóc Môn không đảm bảo tính chính xác và phù hợp số liệu báo cáo giữa các năm.

Thanh tra khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tại huyện Hóc Môn có biểu hiện buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều sai phạm, thiếu sót. Những sai phạm này, theo cơ quan thanh tra, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện, trưởng phòng quản lý đô thị và chủ tịch các xã - thị trấn các thời kỳ có liên quan.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần tiếp tục làm rõ thêm đó là: Ngoài trách nhiệm của các cá nhân cán bộ huyện Hóc Môn nêu trên, có hay không trách nhiệm liên đới của các cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan khác? Có hay không tình trạng cán bộ làm sai nhưng người dân lại phải chịu hậu quả như hiện tại?. Vấn đề này, thiết nghĩ hơn ai hết, UBND TP. Hồ Chí Minh phải sớm vào cuộc.

Việc trước mắt, UBND TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường minh bạch một số thông tin như: Ai chỉ đạo việc dừng phê duyệt hồ sơ đăng ký xóa thế chấp và thế chấp tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đối với thửa đất số 662, tờ bản đồ 62 tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và hàng chục hồ sơ khác?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh có chỉ đạo chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai làm điều này không? Căn cứ pháp lý của việc “treo” hồ sơ này như thế nào? Nếu sai sót, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp thì ai là người phải chịu trách nhiệm đền bù? Bao giờ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn mới xem xét phê duyệt hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp?

Phải chăng việc minh bạch thông tin cho doanh nghiệp và người dân là khó khăn với chính quyền sở tại? Thiết nghĩ, đây là điều cần để doanh nghiệp, người dân thêm tin tưởng vào sự công minh, liêm chính của chính quyền thành phố.

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp "kiệt sức" vì chờ cơ quan nhà nước tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Vụ 'om' 1.392 hồ sơ sổ đỏ tại huyện Hóc Môn: Cần sớm giải quyết cho dân
Sau bài viết “Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?” đăng ngày 25/8/2020, đã có rất nhiều người dân cùng lên tiếng về việc gia đình họ đang lâm vào cảnh khốn cùng vì "bỗng dưng" mất quyền định đoạt tài sản hợp pháp của chính mình.
Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?
Sở hữu giấy tờ hợp pháp, không vướng tranh chấp; đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hằng năm cho Nhà nước nhưng khi đem “sổ đỏ” đi thế chấp, người dân lại không thực hiện được do khi đăng ký giao dịch bảo đảm, phía Chi nhánh VP đăng ký đất đai huyện Hóc Môn không chịu giải quyết hồ sơ.