Vụ "om" 1.392 hồ sơ sổ đỏ tại huyện Hóc Môn: Cần sớm giải quyết cho dân
TCDN - Sau bài viết “Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?” đăng ngày 25/8/2020, đã có rất nhiều người dân cùng lên tiếng về việc gia đình họ đang lâm vào cảnh khốn cùng vì "bỗng dưng" mất quyền định đoạt tài sản hợp pháp của chính mình.
“Đá bóng” trách nhiệm trả lời báo chí
Như nội dung đã đăng tải trong bài viết trước, để làm rõ những nội trong đơn thư phản ánh của ông L.V.T, cũng như vụ việc 1392 hồ sơ bị tạm ngưng giao dịch, phóng viên Tài chính Doanh nghiệp đã tới liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Đông Thạnh, UBND huyện Hóc Môn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên cho đến nay, điều mà chúng tôi nhận được đó là sự thất vọng!
Dù giữ lời hứa sẽ phối hợp với cơ quan báo chí để làm rõ một số nội dung mà người dân tại địa phương có ý kiến, tuy nhiên đã hơn một tuần trôi qua, bà Lê Thị Mộng Nghi - Chủ tịch UBND xã Đông Thạch vẫn không hề liên lạc lại. Phóng viên điện thoại, tin nhắn của phóng viên, bà Nghi vẫn không phản hồi. Đây cũng là động thái của Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - ông Dương Hồng Thắng.
Trước đó, ngày 27/8/2020, phóng viên nhận được công văn của Ban tiếp công nhân huyện Hóc Môn với nội dung công văn trả lời như sau: “Về 1392 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất diện tích lớn, các trường hợp này có liên quan đến vi phạm đất đai, hiện nay cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang điều tra nên tạm thời một số giao dịch tạm ngưng cho đến khi có kết luận”.
Cũng trong ngày 27/8/2020, phóng viên có buổi làm việc với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: trường hợp của hộ gia đình ông L.V.T và các cá nhân nằm trong diện 1392 hồ sơ bị tạm ngưng giao dịch là do cơ quan thanh tra đang thanh tra, vì vậy xin nhà báo thông cảm cho phía Sở không thể cung cấp thêm thông tin gì được. Để nắm rõ thông tin, đề nghị nhà báo liên hệ với cơ quan thanh tra Thành phố.
Khi phản ánh rằng, việc thanh tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến tháng 7/2016 trên thực tế đã kết thúc từ tháng 11/2018 và bản thân cơ quan thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận, vì vậy nếu nói vụ việc này đang được thanh tra là bất hợp lý thì 'vị' Trưởng phòng này lại xin đính chính lại thông tin rằng, không phải thanh tra thành phố đang thanh tra mà đang thực hiện các kết luận thanh tra.
Để làm rõ quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra; nội dung công việc mà Sở phải thực hiện theo kết luận thanh tra, người dân bao giờ được quyền giao dịch trở lại khi quá trình thanh tra đã hết…. thì vị trưởng phòng này không trả lời được và nói sẽ xin ý kiến Giám đốc Sở. Tuy nhiên, cho đến nay, vị đại diện này cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn "im hơi lặng tiếng".
Việc lảng tránh báo chí và cách đưa thông tin bất nhất của đại diện các cơ quan liên quan khiến cho chúng tôi hết sức khó hiểu. Phải chăng đây là động thái “lảng tránh” hay “đá bóng” tránh nhiệm”? Với cơ quan báo chí mà còn như thế, thử hỏi với những người dân, các cơ quan sẽ tiếp xúc, xử lý như thế nào, hay cứ im lặng rồi để tình trạng “sống chết mặc bay”?.
Xin đừng để “quýt làm cam chịu"
Tìm hiểu thông tin về vấn đề quản lý đất đai tại huyện Hóc Môn giai đoạn 2015 đến tháng 7/2016, chúng tôi được biết, tháng 11/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra TP.HCM thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện này từ năm 2015 đến tháng 7/2016. Trong số 1.392 hồ sơ giải quyết chuyển mục đích ở huyện Hóc Môn trong giai đoạn trên, đoàn thanh tra chọn 100 hồ sơ có diện tích đất ở lớn (từ lớn hơn 500m2 đến 6.658m2), thuộc 3 nhóm quy hoạch 1/2.000, 1/5.000 và 1/10.000, có dấu hiệu vi phạm quy định quản lý nhà nước về đất đai để kiểm tra.
Qua các hồ sơ kiểm tra, Thanh tra nhận thấy có tình trạng thu gom đất nông nghiệp rồi xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để sang nhượng, tự ý phân lô tách thửa, làm đường giao thông không xin phép. Đáng lưu ý, Thanh tra chỉ ra việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015, 2016 của huyện này không đúng quy định, không đúng tiến độ, không sát với tình hình thực tế, dẫn đến việc thực hiện theo kế hoạch được duyệt không khả thi.
Cụ thể, theo kế hoạch, đất ở nông thôn năm 2015 phải tăng hơn 375ha, đất ở đô thị phải tăng hơn 86ha. Kết quả thực tế, đất ở nông thôn tăng hơn 933ha (vượt 150% kế hoạch), còn đất ở đô thị lại giảm 103ha. Thanh tra khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tại huyện Hóc Môn có biểu hiện buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều sai phạm, thiếu sót.
Theo cơ quan thanh tra, những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Trưởng phòng Quản lý đô thị và Chủ tịch các xã/thị trấn các thời kỳ có liên quan. Vì vậy, cơ quan này kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Hóc Môn tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân chủ trì, tham mưu đã để xảy ra các sai phạm, thiếu sót, khuyết điểm trên, đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra gần 1.300 hồ sơ còn lại để có cơ sở đánh giá toàn diện.
Trước đó, chia sẻ với báo Tuổi trẻ hồi tháng 11/2018, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn khi đó là Huỳnh Văn Hồng Ngọc có thông tin rằng “huyện đang tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan và sẽ báo cáo kết quả cho huyện ủy, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và cử cán bộ phối hợp rà soát 1.300 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để có hướng xử lý, khắc phục".
Không biết việc rà soát của huyện Hóc Môn như thế nào mà hơn 2 năm qua, huyện này vẫn chưa có hướng xử lý, khắc phục. Mỗi khi dân hỏi đến điều đưa ra một câu trả lời chung chung là “đang thanh tra”?
Sau khi Tài chính Doanh nghiệp đăng tải bài viết “Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?” vào ngày 25/8/2020, đã có rất nhiều người dân đồng loạt lên tiếng về việc gia đình họ đang lâm vào cảnh khốn cùng vì "bỗng dưng" mất quyền định đoạt tài sản hợp pháp của chính mình.
Thiết nghĩ, cá nhân, tổ chức nào làm sai thì cá nhân, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể để hàng ngàn hộ dân phải "gánh vạ”. Với cách làm của các cơ quan có thẩm quyền như UBND huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường,... liệu rằng người dân còn có niềm tin vào cơ quan quản lý “vì dân”, “liêm chính, chí công vô tư” nữa hay không?
Câu hỏi này xin được gửi đến UBND huyện Hóc Môn, UBND TP. Hồ Chí Minh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899