Doanh nghiệp nhóm VPE500 có tài sản tăng khoảng 15,4%/năm

10/08/2022, 14:14

TCDN - Xuất hiện ở 57/63 tỉnh, thành phố, nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) có tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4%/năm so với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung (5,6%/năm).

Sáng 10/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

VPE500 đánh giá trên 3 tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo 3 tiêu chí.

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Nhận định về kết quả đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cho biết doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Theo số liệu năm 2019, trong số 668,5 nghìn doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là 647,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,88% tổng số, đóng góp 15,12 triệu tỷ đồng (57%) tổng doanh thu thuần và thu hút hơn 9 triệu lao động.

Theo báo cáo, xuất hiện ở 57/63 tỉnh thành phố, nhóm VPE500 đang hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước với quy mô lao động và tài sản bình quân cao hơn 83 lần và 132 lần doanh nghiệp tư nhân nói chung…

Đáng chú ý, chỉ riêng nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp) nhưng đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Biểu đồ đóng góp của VPE500 trong chế biến, chế tạo của khối doanh nghiệp tư nhân.

Biểu đồ đóng góp của VPE500 trong chế biến, chế tạo của khối doanh nghiệp tư nhân.

Báo cáo của NCIF nhận định, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp.

Xem xét riêng cho danh mục VPE500 của năm 2019 trong giai đoạn 2016-2019 cho thấy quy mô của VPE500 tăng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp khác. Các VPE500 có tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4%/năm so với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung (5,6%/năm); doanh thu tăng 11,7%/năm so với 6,6%/năm.

Tuy nhiên, theo NCIF, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6%năm của doanh nghiệp tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước.

Có thể thấy, VPE500 có tác động lan tỏa về năng suất và lương tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song có thể tạo ra tác động chèn lấn nhất định với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cụ thể, VPE500 trong cùng ngành có tác động tiêu cực về năng suất lao động tới các doanh nghiệp tư nhân khác. Khi quy mô của khối VPE500 tăng khoảng 1% làm cho năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân khác giảm đi 0,9%, cho thấy cạnh tranh giữa hai nhóm doanh nghiệp là khá gay gắt. Doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do cạnh tranh lao động, nguồn lực và thị trường với VPE500.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF cho biết, thực tế cho thấy các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, và trong nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ ít tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước.

So sánh giữa tác động của VPE500 tới doanh nghiệp tư nhân trong nước và giữa các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp tư nhân có sự khác biệt đáng kể. Tác động tiêu cực của cạnh tranh do FDI tạo ra nhỏ hơn khoảng 3 lần (-0,29% so với -0,94%) có thể do doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất khẩu nên ít có tác động cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tác động tích cực trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân trong nước là nhà cung cấp của VPE500 và FDI khá rõ ràng và tác động của VPE500 cao hơn đáng kể (khoảng 0,1 điểm %).

Mặc dù, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng theo NCIF, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.

Trên cơ sở phân tích VPE500 và quan hệ với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Theo đó, nhóm chuyên gia NCIF cho rằng, các chính sách trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

PV
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nhóm VPE500 có tài sản tăng khoảng 15,4%/năm tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận