Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm thuế GTGT, thuế TNDN và thuế đất
TCDN - Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" sáng 11/8, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế đất... để giúp doanh nghiệp hồi phục.
Kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế GTGT cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong 7 tháng của ngành dệt may Việt Nam khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động đã dần ổn định. Toàn ngành dệt may Việt Nam đạt nhiều khả quan: tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021; Kim ngạch nhập khẩu đạt 15,48 tỷ - tăng 27,9%; Kim ngạch xuất siêu khá khả quan, đạt 11,07 tỷ USD - tăng 31%; Giải quyết gần 2 triệu lao động với thu nhập bình quân 8-8,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vào cuối năm 2022 do ảnh hưởng của tình hình thế giới như dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine, thị trường EU và một số thị trường lớn khác đang có xu hướng đưa ra chiến lược dệt may mới, trong đó có việc sẽ tính tỉ lệ tái chế và carbon, lao động nhảy việc, về quê không trở lại…
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất… Vấn đề này liên quan đến xử lý nước thải mà nhiều địa phương cũng không mặn mà, chúng tôi đề nghị các địa phương hỗ trợ, những khu công nghiệp đang tồn tại cũng không có vấn đề gì lớn cả. Chúng ta cần đảm bảo có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà FDI mang lại.
Về thuế GTGT, kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ.
Đề nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó tính thuế GTGT đối với ôtô sản xuất trong nước
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) kiến nghị một số giải pháp để tạo động lực phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh nhanh và bền vững.
Cụ thể, đối với ngành công nghiệp ôtô, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước được tính theo hướng: Giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hàng không xin tiếp tục giảm thuế đất
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam khẳng định thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.
Tuy nhiên, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không.
Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn.
Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.
Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành..
Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…
Ngành du lịch xin quay lại mức giảm thuế GTGT 5%
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, du lịch đã có sự hồi phục rất tốt với thị tường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Đối với riêng thị trường du lịch trong nước, chúng tôi đã phục hồi được 130% thị phần, đạt doanh thu bằng trước dịch.
Tuy nhiên ngành du lịch đang gặp một số khó khăn như chỉ tiêu 5 triệu khách quốc tế năm nay khó khả thi do thị trường nguồn của chúng ta chưa mở cửa, đặc biệt sau dịch còn những khó khăn về địa chính trị cũng như xăng dầu, và sự hỗn loạn, đứt gẫy trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch.
Đối với trong nước, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt lữ hành hàng không, đã kiệt quệ về lao động, tài chính, phải khôi phục lại toàn bộ. Thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít trạm hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch.
Theo ông Kỳ, các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là mức giảm thuế GTGT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm thuế GTGT là 5%. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, chúng ta nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn.
Cùng với đó, tác gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Đề nghị phải xem lại chính sách này. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, như doanh nghiệp du lịch chúng tôi, không tiếp cận được, nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được.
Vận chuyển, đặc biệt vận chuyển hàng không khó khăn, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí, cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng, vì vậy các hãng bay, khi giá xăng dầu điều chỉnh, cũng không được hưởng ngay lập tức.
Về chính sách cho du lịch, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và trình độ sau đại dịch gần như phải xây dựng lại vì đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, nên thiếu hụt lao động có tay nghề.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899