Doanh nghiệp Việt đã thực sự hướng đến người tiêu dùng

02/08/2019, 16:16

TCDN - “Các DN sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu sản phẩm”.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Báo cáo Bộ Công Thương nhận định tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), do Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ tổ chức sáng ngày 2/8.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ Trần Thanh Mẫn - khẳng định, cách đây 10 năm, Bộ Chính trị phát động CVĐ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...).

Về phía các DN, thực hiện cam kết với người tiêu dùng, các DN sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Để bảo vệ và giữ uy tín của DN, các DN đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng và sở hữu thương hiệu sản phẩm. Các DN Việt Nam đã được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các Bộ, ngành và các địa phương trao đã không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt.

Từ hưởng ứng CVĐ, doanh nghiệp Việt đã vươn lên và khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế (như Viettel, FPT, Trường Hải, Trung Nguyên, TH True Milk và gần đây là các sản phẩm thương hiệu lớn: Vinfast, Bamboo Airway…).

 “Sau 10 năm triển khai, CVĐ đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ DN đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc, có 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến CVĐ. Trong đó, “Rất quan tâm” là 53% và “Quan tâm có mức độ” là 35%; số người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động này” chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ “rất quan tâm” đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%); Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ “rất quan tâm” của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).

67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có CVĐ, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”. So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014, có thể thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).

Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên

Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên

Khẳng định những kết quả không thể phủ nhận của CVĐ, song Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ: “Một số mặt hàng Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính là người tiêu dùng”.

Vì lẽ đó, để nâng cao hiệu quả CVĐ thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, CVĐ cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa. Tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ; chú trọng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao; hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra thực hiện CVĐ, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng nhái, hàng giả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: các Bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương cần hoàn thiện thể chế trong tạo môi trường thuận lợi cho DN, người dân dân trong phát huy nội lực, tiềm lực chính mình để đầu tư phát triển sản xuất một cách thuận lợi nhất. Cùng với đó tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngành sản xuất, tái cấu trúc DN thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất, giá cả cạnh tranh, phù hợp với thị trường, coi trọng thị trường nội địa.

Song song với việc kiểm soát hàng nhập lậu trái phép, cũng phải tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất; kiểm soát, chống gian lận thương mại, xây dựng các sản phẩm có chất lượng, cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả các giải pháp khuyến khích DN phát triển, tạo điều kiện phát triển các loại hình bán lẻ, khuyến khích hình thành mạng lưới thương mại, tạo chuỗi giá trị hàng hóa có thương hiệu. DN Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Việt đã thực sự hướng đến người tiêu dùng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899