Đổi mới quản lý nhà nước đối với DNNVV, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

15/04/2024, 16:17
báo nói -

TCDN - Hiện quy mô các DNNVV ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đóp góp quan trọng vào sản xuất, tăng trưởng kinh tế quốc dân.

3-1

TÓM TẮT:

Hiện quy mô các DNNVV ở nước ta đã phát triển nhanh chóng, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đóp góp quan trọng vào sản xuất, tăng trưởng kinh tế quốc dân. Có thể khẳng định việc phát triển các DNNVV đã kịp thời đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, song song với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất phát từ thực tế đó, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo thuận lợi cho các DNNVV phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, mở rộng các mối liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng phát triển; Bất cập trong quản lý nhà nước với khu vực này. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị giải pháp nâng cao năng lực của kinh tế tư nhân nói chung, DNNVV nói riêng và đổi mới quản lý nhà nước để kinh tế tư nhân phát huy vai trò một động lực quan trọng của nền kinh tế.

1. Tiêu chí nhận biết DNNVV

Về khái niệm, tiêu chí nhận biết DNNVV và quản lý nhà nước đối với DNNVV. Theo tiêu chí phân loại trong Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, về cơ bản các DNNVV được phân loại theo tổng số vốn trên tổng doanh thu của năm liền kề trước đó và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo khu vực hoạt động. Các doanh nghiệp nhỏ có số vốn dao động từ 100 tỷ đồng trở xuống và số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người đến 200 người [4]. Các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 300 tỷ đồng và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người đến 200 người. Sau đó, theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ thì DNN&V được xác định theo những tiêu chí về lao động, vốn và doanh thu theo lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác nhau. Cụ thể: (Xem Bảng)

3.B1

DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Về vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DNNVV. Trong tổ chức và hoạt động của mình, Nhà nước đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các DNNVV, đó là: Nhà nước hoạch định chính sách và thiết kế các kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc gia, đưa ra các chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ khác nhau và trong đó chính sách phát triển các DNNVV. Trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, điều tiết kinh tế vĩ mô thì vai trò của DNNVV là rất quan trọng. Do đó, khi lên kế hoạch cho các chiến lược này, Nhà nước bắt buộc phải tính đến vị trí, vai trò, yếu tố đóng góp của các DNNVV. Nhà nước phải thực hiện chức năng là chủ thể trọng tài, đứng giữa để phân xử các tranh chấp đến từ DNNVV hoạt động trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng thể hiện vai trò của Nhà nước, trong việc đảm bảo một môi trường pháp lý lành mạnh trong sự phát triển của DNNVV.

2. Thực trạng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, cả nước có 684.260 doanh nghiệp, trong đó có 660.055 doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp1, chiếm tới 96,47%. Trong đó, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng là 481.464 đơn vị, chiếm 70,36% tổng số doanh nghiệp, chỉ có 6.390 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng, chiếm 0,93%.

Xét theo quy mô lao động, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước sử dụng dưới 9 lao động là 532.276 đơn vị, chiếm 77,79% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên là 5.009 đơn vị, chỉ chiếm 0,73%.

Trong khi chiếm tới 96,47% tổng số doanh nghiệp, thì giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước chỉ là 9.324.1 ngàn tỉ đồng, bằng 59,99% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Vốn sản xuất - kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước là 27.095,8 ngàn tỉ đồng, bằng 58,6% tổng vốn sản xuất - kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp.

Sự hạn chế về nguồn lực tài chính và lao động gắn liền với sự hạn chế về trang bị công nghệ và khả năng đổi mới công nghệ. Năm 2020, mức trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động của các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nước là 324,7 triệu đồng, chỉ bằng 24,1% mức của doanh nghiệp nhà nước và bằng 73,59% mức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thiếu vốn kinh doanh là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi việc tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, hệ lụy tất yếu là năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế của đại bộ phận các doanh nghiệp này hiện đang hết sức thấp kém.

Một điểm yếu khác của khu vực kinh tế tư nhân là sự hạn chế về năng lực quản trị điều hành. Số doanh nghiệp được quản trị một cách khoa học, như chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh làm cơ sở thực hiện các hoạt động đầu tư dài hạn, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp, chủ yếu thuộc loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần quy mô nhỏ, thường xử lý kinh doanh theo kiểu tình thế, ngắn hạn, thậm chí chụp giật, tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều thủ đoạn phi pháp khác nhau (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng nhái, hàng giả…).

Sự hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực quản lý điều hành và năng lực đổi mới sáng tạo dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong nước còn thấp kém. Năm 2020, tỉ suất lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này chỉ đạt 1,87%, thấp hơn nhiều so với mức 5,67% của các doanh nghiệp nhà nước và 5,68% của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài các loại hình doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân trong bộ phận kinh tế chính thức của Việt Nam còn bao gồm các cơ sở sản xuất - kinh doanh hoạt động dưới hình thức Hộ kinh doanh cá thể. Đây là loại hình kinh doanh không có tư cách pháp nhân do một người hay một nhóm người đứng ra tổ chức và có đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/7/2021, cả nước có gần 5,1 triệu cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (82,7%). Số lao động làm việc trong các cơ sở này là 8,5 triệu người; Số lao động bình quân trong một cơ sở là 1,7 người. Tuy các cơ sở kinh doanh cá thể có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phân tán, nhỏ lẻ của dân cư và tạo thêm việc làm, thu nhập cho nười lao động,…nhưng không có tác động lớn đến phát triển của nền kinh tế quốc dân.

3. Giải pháp

Việc gia tăng nội lực của khu vực kinh tế tư nhân nói chung, DNNVV nói riêng phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính các chủ thể kinh doanh. Nhưng sự nỗ lực ấy sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu vấp phải những khó khăn từ sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế.

Để phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ cả phía các nhà kinh doanh tư nhân và phía các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể như:

Về phía khu vực kinh tế tư nhân

Việc nâng cao nội lực là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề lại không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” khi nội lực của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp kém. Bởi vậy, trước mắt cần chú ý một số điểm sau đây:

- Từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đốithủ tiềm năng. Đồng thời, xem xét khả năng chuyển dần chất lượng cạnh tranh giá rẻ sang các khía cạnh khác của chất lượng, như tạo sự khác biệt sản phẩm, chọn các thị trường ngách,…

- Thiết lập và mở rộng quan hệ liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện điều này vừa để phát huy lợi thế và khắc phục yếu thế vốn có của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, vừa là cách thức tham gia từng bước vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.

- Nâng cao năng lực quản trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Học tập tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ ở các làng nghề Nhật Bản: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương - (Thinkglobally, act locally”).

- Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội nghề nghiệp trong phát triển kinh tế tư nhân. Các hiệp hội này, một mặt, cần phát huy vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên; mặt khác, cần phát huy vai trò đại diện các doanh nghiệp thành viên tham gia chủ động và tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực hoạt động có liên quan. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp hội còn đóng vai trò đại diện các hội viên trong các quan hệ kinh tế quốc tế.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhà nước và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bằng cách đó, mỗi doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước tự tạo lòng tin với cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội về vai trò tích cực của mình trong công cuộc phát triển đất nước.

Về phía quản lý nhà nước

Việc thực hiện thực chất và có hiệu quả đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Chính phủ liêm chính” sẽ là một yếu tố trọng yếu thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khuôn khổ đổi mới ấy, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và đúng hướng kinh tế tư nhân, việc đổi mới các chức năng của quản lý nhà nước về kinh tế cần chú trọng phát huy vai trò của Nhà nước trong việc định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh của các chủ thể kinh tế tư nhân. Sự định hướng rõ ràng, ổn định và có đủ độ tin cậy là một trong những cơ sở để huy động các nguồn lực từ các chủ thể kinh tế thuộc các thành phần kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển, đưa hoạt động đầu tư - kinh doanh của họ góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế. Bởi lẽ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để xác định chiến lược đầu tư - kinh doanh và yên tâm thực hiện hoạt động đầu tư - kinh doanh lâu dài.

Để phát huy vai trò định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh, có hai điểm cơ bản cần được chú ý:

- Nâng cao chất lượng các chiến lược và quy hoạch phát triển. Phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ cần quan tâm phân tích đánh giá khoa học và chính xác các điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức, dự báo có cơ sở khoa học các xu hướng phát triển của thị trường và của khoa học công nghệ để đưa ra những định hướng chung về sự phát triển và những điều kiện cơ bản cần bảo đảm để thực hiện định hướng phát triển ấy. Nhà nước dựa vào chiến lược và quy hoạch này để xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành và từng vùng lãnh thổ.

- Xây dựng các các chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở các định hướng phát triển đã xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển. Để hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế, Nhà nước cần ban hành và chỉ đạo thực thi hàng loạt chính sách kinh tế vĩ mô theo tinh thần tạo ra những kích thích để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào những lĩnh vực và những vùng lãnh thổ mà Nhà nước mong muốn. Nói cách khác, để kinh tế tư nhân phát huy ngày càng đầy đủ hơn vai trò một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nhà nước cần tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân theo đúng định hướng đã xác định.

Về cải thiện môi trường luật pháp

- Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luật pháp phải được coi là công cụ chủ yếu của Nhà nước trong quản lý kinh tế vĩ mô. Hành xử theo pháp luật không phải chỉ là nghĩa vụ của các đối tượng điều chỉnh của pháp luật, mà cũng là trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ công chức nhà nước.

- Tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế đồng bộ phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường. Điều chỉnh hệ thống luật pháp trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và các ràng buộc của các định chế kinh tế - tài chính quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

- Khuyến khích các chủ sở hữu đưa tài sản vào đầu tư - kinh doanh, bảo vệ các nhà đầu tư - kinh doanh bằng việc xây dựng và thực thi pháp luật về sở hữu, chế độ bảo vệ quyền tự do kinh doanh, pháp luật về hợp đồng, thương mại, cạnh tranh và chống độc quyền theo đúng định chế và tập quán thương mại quốc tế.

Về cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô

- Điều chỉnh mô hình tăng trưởng, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu, coi tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Trên cơ sở đó, điều chỉnh cơ cấu ngành và cơ cấu vùng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu thị trường và cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh đầu tư bảo đảm các yếu tố về hạ tầng và nhân lực cho sự tăng trưởng cao, có hiệu quả và bền vững.

- Hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tạo lập sự ổn định bền vững của các cân đối kinh tế vĩ mô, đặc biệt là cán cân thương mại, cán cân thanh toán. Tăng cường dự trữ quốc gia, tạo cho Nhà nước có một công cụ vật chất mạnh để đối phó một cách chủ động với những biến động kinh tế vĩ mô.

- Thống nhất điều kiện kinh doanh và điều kiện tiếp cận các yếu tố sản xuất của các loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. Hoàn thiện cơ chế bình đẳng và không phân biệt hình thức sở hữu trong việc lựa chọn đối tượng được huy động tín dụng, được nhận sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước.

Về cải thiện môi trường chính trị - xã hội

- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho đội ngũ doanh nhân bằng những hình thức thích hợp, làm mỗi người có ý thức đầy đủ hơn vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật, quy định của Nhà nước.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo lập sự đồng thuận xã hội trong quan điểm đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân và của đội ngũ doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, NXB Thống kê.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

3. Quốc hội (2017), Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Thanh Thủy (2018), Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Đặc điểm, vai trò và gợi mở cho sự phát triển, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, Số 10 (47)-2018.

5.http://tapchinganhang.gov.vn/dong-hanh-cung-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-vuot-qua-kho-khan-do-dich-benh-covid-19.htm

NCS. Nguyễn Chi Mai

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 4/2024
Bạn đang đọc bài viết Đổi mới quản lý nhà nước đối với DNNVV, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển tại chuyên mục Thư viện của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận