Du lịch Việt Nam: Tăng trưởng khả quan, lo toan nhân lực

25/01/2019, 10:24

TCDN -

Ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những bước phát triển ngoạn mục, song con số này vẫn thấp so với các nước trong khu vực và nhân lực chất lượng cao hiện đang là một trong những điểm nghẽn của ngành này.

Vẫn thấp hơn các nước trong khu vực

Năm 2017, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP là 7,9% và dự báo đến năm 2020 là hơn 10%. Việt Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới trong năm 2016.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong ba năm qua, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 14 triệu lượt trong 11 tháng năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao. Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Nguyên nhân không chỉ do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực mà còn bởi chi tiêu của khách trong mỗi chuyến đi cũng tiết kiệm hơn.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD.

Ông John Lindquist, Chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu (BCG) chỉ ra khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD/ ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD.

Lý giải vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa có hàng hoá đặc thù, hấp dẫn du khách. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện có hệ thống trung tâm thương mại phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hoá, thu hút nhiều khách mua sắm.

Thêm nữa, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, nhân lực chất lượng cao hiện đang là một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt. Cụ thể: năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch đạt 1,23 tỉ USD và tăng lên 22,71 tỉ USD vào năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu chia cho tổng lao động tham gia vào ngành này, tăng trưởng năng suất khá thấp. Con số này không chỉ so với ngành du lịch các nước khác mà thấp hơn cả nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam. Thực tế, năng suất lao động trong ngành du lịch chỉ cao hơn so với lao động phổ thông.

Các kỹ năng lao động trong ngành du lịch cần là kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo, kỹ năng chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, các chương trình đào tạo hiện nay như cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp; thiên về nghiệp vụ; thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch, thiếu đào tạo thực tiễn.

Dịch chuyển các hoạt động lên nền tảng số

Theo bà Tuyết Vũ, BCG, xu hướng số hóa đang thay đổi ngành du lịch mạnh mẽ. Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin. Sau đó, họ sử dụng điện thoại di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội...

Phân tích của BCG cho thấy, 58% du khách sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến di, 81% xem đánh giá của khách du lịch khác khi nghiên cứu về một chuyến đi, 46% đặt các chuyến nghỉ dưỡng của mình qua điện thoại thông minh... Với xu hướng này, thị trường du lịch trực tuyến trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng, tác động lớn. Thực tế, trong 10 quốc gia có số lượng khách du lịch lớn nhất tới Việt Nam, phần lớn khách du lịch sử dụng di động để trải nghiệm hành trình. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần nâng cao chất lượng Internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số.

Việc thay đổi các giao diện trên nhiều nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch cũng cần những chiến lược mới, cách làm và tư duy mới.

Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ phát triển theo 3 xu hướng. Thứ nhất là số hoá, như sự phổ biến của số hoá trong toàn chuỗi điểm: điểm đến tiếp theo, điểm đặt vé khách sạn, việc khách quay lại và chia sẻ kinh nghiệm. Thứ hai, là họ chi tiền thế nào, chi nhiều cho chuyến bay, cho khách sạn hay cái khác. Thứ ba là trải nghiệm họ tìm kiếm: du khách muốn trải nghiệm nhiều hơn văn hoá địa phương, điểm đến mới...

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, giải pháp để cải thiện chất lượng nguồn nhận lực là cần có hai chương trình đào tạo chính dành cho ngành du lịch là chương trình đào tạo sẵn sàng vào ngành du lịch và chương trình đào tạo sau khi ra nhập ngành. Trong đó, ở chương trình thứ nhất, một trong những cách để tăng hiệu quả, và cũng là xu hướng chung trong đào tạo là sử dụng nền tảng công nghệ, tạo thành một nền tảng số hoá mang tính mở - Open Digital Flatform; cần kết hợp với các cơ sở doanh nghiệp để cùng xây dựng Open Digital Flatform như một trung tâm phát triển nguồn nhân lực trực tuyến, uy tín và có thể tổ chức ở nhiều cấp độ.

Với chương trình thứ hai, cần tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS); tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch; tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn qua sự hướng dẫn của những chuyên gia, cố vấn trong ngành...

Ông Olivier Muehlstein, Giám đốc điều hành BCG Singapore cho biết, có 5 vấn đề chính Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để đạt mục tiêu đề ra. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, con người phải được nâng cấp. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới và điều này thực sự mất nhiều thời gian, công sức, cần sự phối hợp từ nhiều bên.

Thứ hai, về ngắn hạn có một số vấn đề cần thay đổi, như làm sao để định vị Việt Nam trên thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia... Làm sao để xây dựng thương hiệu quảng bá với tư cách quốc gia, đặc biệt từng điểm đến cụ thể. Cần xây dựng thông điệp để Việt Nam ít nhất phải bằng các quốc gia khác trong Đông Nam Á.

Thứ ba là làm thế nào nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam ngay từ khâu chọn điểm đến như vấn đề visa, chuyến bay... Đặc biệt là khi Việt Nam chưa phải nước đứng đầu danh sách họ nghĩ tới, nên cần làm sao để nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Thứ tư là vấn đề quản trị, vai trò của hội đồng - làm thế nào để nâng cao vai trò của Tổng cục Du lịch, không chỉ ở khâu quản lý mà còn là hợp tác với các cơ quan khác từ trung ương, địa phương giúp du lịch vận hành trơn tru.

Cuối cùng là nâng cao mức độ hợp tác. Chúng ta không chỉ nói các hãng hàng không tăng chuyến bay trong khi vấn đề khách sạn, hạ tầng chưa cải thiện, phải làm sao để tất cả cùng hợp tác phát triển.

Trang Hạ - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Du lịch Việt Nam: Tăng trưởng khả quan, lo toan nhân lực tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận